Nga: Các doanh nghiệp nhỏ cần hỗ trợ để vượt qua khủng hoảng

Các nghị sỹ Nga dự kiến thảo luận các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngày 14/4, nhưng với nhiều doanh nghiệp, điều này có thể đã quá muộn.

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ban hành quy định cho phép người lao động ở nước này nghỉ làm được hưởng lương trong tháng Tư nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Nga đã phải tự xoay xở để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Các nghị sỹ Nga dự kiến thảo luận các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngày 14/4, nhưng với nhiều doanh nghiệp, điều này có thể đã quá muộn.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược, tổ chức tư vấn của Chính phủ Nga, khoảng 1/3 số doanh nghiệp được khảo sát đã phải cho người lao động nghỉ việc không lương từ tuần đầu tiên của giai đoạn không làm việc.

Gần một nửa trong số 1.000 doanh nghiệp đã phải giảm lương, 16% thông báo cắt giảm lao động và 9% dự kiến sẽ phá sản trong năm nay.

[Thủ tướng Nga khuyến cáo doanh nghiệp về vấn đề sử dụng lao động]

Theo Phòng Kiểm toán Nga, do tác động của dịch COVID-19, số người thất nghiệp tại Nga có thể tăng từ 2,5 triệu lên 8 triệu người trong năm nay.

Trong nỗ lực nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, Chính phủ Nga đã tiền hành cắt giảm thuế và cho phép hoãn các khoản thanh toán. Ngân hàng Trung ương Nga đã cung cấp nguồn vốn để các ngân hàng có thể cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ với lãi suất thấp.

Tuy nhiên, Giám đốc Viện phân tích chiến lược của FBK Grant Thornton Russia, ông Igor Nikolayev, cho rằng các biện pháp của chính phủ cần có quy mô lớn hơn và có mục tiêu hơn.

Ông nói thêm các biện pháp cần hỗ trợ trực tiếp cho người dân, những người chịu tác động lớn nhất từ dịch bệnh.

Ông Nikolayev cho rằng một doanh nghiệp không có nguồn thu sẽ cần được hỗ trợ để có thể trả lương cho người lao động.

Nếu không có sự can thiệp của chính phủ, Nga sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế tương tự như cuộc khủng hoảng sau khi Liên Xô tan rã.

Kinh tế Nga đã giảm 14,5% trong năm 1992 và có thể giảm ở mức tương tự trong bối cảnh hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục