Nga thông báo hiệu quả của vaccine COVID-19 sản xuất trong nước

Người đứng đầu Roszdravnadzor Alla Samoylova nêu rõ kể từ khi sử dụng vaccine ngừa COVID-19 được sản xuất trong nước, Nga chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào.
Nga thông báo hiệu quả của vaccine COVID-19 sản xuất trong nước ảnh 1Vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ quan Giám sát dịch vụ chăm sóc sức khỏe Liên bang Nga (Roszdravnadzor) khẳng định chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào liên quan đến các loại vaccine ngừa COVID-19 sản xuất trong nước, trong khi các tác dụng phụ tiêu cực chỉ xuất hiện ở 0,1% số người được tiêm các vaccine này.

Trong một tuyên bố ngày 9/4, Bộ Y tế Nga dẫn lời người đứng đầu Roszdravnadzor Alla Samoylova nêu rõ kể từ khi sử dụng vaccine ngừa COVID-19 được sản xuất trong nước, Nga chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào.

Trong khi đó, ông Alexander Gintsburg - Giám đốc Viện Nghiên cứu Gamaleya - nơi đi đầu trong việc nghiên cứu và phát triển vaccine Sputnik V, cho biết cũng như các loại vaccine khác, vaccine Sputnik V có hiệu quả thấp phòng ngừa biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Nam Phi. Tuy nhiên, Sputnik V lại có khả năng vô hiệu hóa biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh.

Hiện Đức đã bắt đầu các cuộc đàm phán với Nga về việc mua vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V mà không đợi hành động phối hợp của Liên minh châu Âu (EU).

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn trước đó cho biết nước này sẵn sàng đàm phán với Nga mà không có 26 quốc gia thành viên còn lại của EU nếu việc này có thể giúp Đức đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc mua vaccine vẫn phải phụ thuộc vào sự phê duyệt của Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA).

Trong một thông báo, công ty dược phẩm Nga R-Pharm dự định sản xuất từ 8-10 triệu liều vaccine Sputnik V mỗi tháng tại nhà máy ở Bavaria, miền Nam nước Đức.

Theo Giám đốc điều hành R-Pharm Alexey Repik, hiện công ty này đang thúc đẩy việc bắt đầu sản xuất vaccine tại nhà máy ở Bavaria. Dự định, ban đầu R-Pharm sẽ sản xuất khoảng 4-5 triệu liều vaccine mỗi tháng, sau sẽ nâng lên tối đa khoảng 8-10 triệu liều mỗi tháng và mục tiêu này có thể đạt được trong quý IV/2021.

EU xem xét các báo cáo về vaccine của AstraZeneca và Johnson & Johnson

Trong khi đó, EU đang xem xét các báo cáo về tình trạng chảy máu ở những người sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca cũng như các báo cáo về việc xuất hiện tình trạng máu đông (huyết khối) hiếm gặp khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson.

[Đức đạt kỷ lục về số người được tiêm vaccine COVID-19 trong một ngày]

Theo EMA, bốn trường hợp nghiêm trọng xuất hiện huyết khối hiếm gặp với lượng tiểu cầu thấp, trong đó một trường hợp đã tử vong, đã được ghi nhận sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson. Trong khi đó, có năm trường hợp xuất hiện hội chứng rò rỉ mao mạch có liên quan đến việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca.

Tuy nhiên, EMA khẳng định "ở giai đoạn này, hiện vẫn chưa rõ có mối liên hệ nào" giữa vaccine với tình trạng mà những người đã tiêm vaccine của hai hãng trên đã gặp phải.

Cả AstraZeneca và Johnson & Johnson chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên.

Pfizer/BioNTech kêu gọi Mỹ cho phép tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 12-15 tuổi

Hãng dược Pfizer (Mỹ) cùng đối tác BioNTech của Đức ngày 9/4 đã kêu gọi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cấp phép để vaccine của hãng này được sử dụng khẩn cấp với đối tượng trẻ em từ 12-15 tuổi tại Mỹ.

Nga thông báo hiệu quả của vaccine COVID-19 sản xuất trong nước ảnh 2Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Pfizer/BioNTech trích dẫn nghiên cứu được công bố hồi tháng trước rằng vaccine của họ 100% hiệu quả đối với trẻ em từ 12-15 tuổi.

Trong một tuyên bố, Pfizer/BioNTech cũng cho biết họ có kế hoạch đưa ra đề nghị tương tự đối với các cơ quan quản lý khác trên khắp thế giới trong những ngày tới.

Mexico bắt đầu tiêm vaccine cho người trên 50 tuổi từ cuối tháng Tư

Ngày 9/4, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador thông báo quốc gia Bắc Mỹ này sẽ bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người trên 50 tuổi và 3 triệu giáo viên vào cuối tháng 4/2021 theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Đến nay, Mexico đã hoàn tất việc tiêm chủng cho đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch COVID-19 và dự kiến tiêm xong cho người từ 60 tuổi trở lên trong tháng này.

Sau đó, từ tháng 4-5/2021, Mexico sẽ tiến hành tiêm chủng cho đối tượng trong độ tuổi 50-59; từ tháng 5-6/2021 cho độ tuổi 40-49 và từ tháng 6/2021-3/2022 cho số dân còn lại.

Hiện Mexico đã tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 cho trên 10,6 triệu dân.

Mexico đã ký các thỏa thuận để mua 34,4 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech, 79,4 triệu liều vaccine của AstraZeneca, 35 triệu liều của CanSino, 24 triệu liều Sputnik V của Nga, 20 triệu liều của Sinovac, 12 triệu liều của Sinopharm và 51,4 triệu liều theo cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX.

Tính đến ngày 9/4 theo giờ địa phương, Mexico đã ghi nhận trên 2,26 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 206.000 ca tử vong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục