Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng tới mục tiêu chuyển đổi số

Cùng với xu thế chung, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định chuyển đổi số là nhiệm trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian tới của ngành.
 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Hội nghị về chuyển đổi số ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã diễn ra ngày 26/11 tại Hà Nội.

Cùng với xu thế chung, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định chuyển đổi số là nhiệm trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian tới của ngành.

Chuyển đổi số của toàn ngành không chỉ hướng tới đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hiệu quả ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc dừng lại ở mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng tới mục tiêu cao hơn là chuyển đổi số trong ngành cùng với chương trình chuyển đổi số quốc gia để vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực vươn ra toàn cầu.

Do đó, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình cần được tập trung, nghiên cứu, xây dựng; đưa ra các chỉ số cơ bản, cụ thể để thực hiện trong giai đoạn tới.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định nhiệm vụ chuyển đổi số sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi đây là ngành đặc thù và đa dạng các lĩnh vực, chuyên môn, nghiệp vụ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các đơn vị trực thuộc phải xác định nhiệm vụ chuyển đổi số ở lĩnh vực mình quản lý là một quá trình chuyển biến trong hoạt động, không thể làm trong thời gian ngắn, cần được xây dựng riêng hoặc lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch, đề án suốt quá trình tham mưu và quản lý nhà nước.

Trong đó, Trung tâm Công nghệ thông tin hướng dẫn các đơn vị thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra tại Quyết định số 749 về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

[Phát triển kinh tế số Việt Nam trong thời kì hậu COVID-19]

Du lịch được coi là lĩnh vực thực hiện chuyển đổi số nhanh và mạnh trong các lĩnh vực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề với nền kinh tế.

Cũng do dịch COVID-19, thế giới có sự tăng vọt về nhu cầu kết nối trực tuyến để duy trì các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, trong ngành Du lịch, các công cụ trực tuyến phục vụ tìm kiếm, chia sẻ thông tin, đặt dịch vụ, thanh toán ngày càng đa dạng.

Nhiều mô hình du lịch ảo ra đời thông qua ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường đã giúp du khách có những trải nghiệm mới lạ, độc đáo.

Dự báo trong năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam giảm 80%, khách nội địa giảm 50%, thiệt hại khoảng 23 tỷ USD.

Toàn ngành Du lịch đang nỗ lực phục hồi hoạt động du lịch thông qua công nghệ số, tạo ra ứng dựng bảo đảm an toàn cho du khách, sản phẩm mới lạ, độc đáo, hỗ trợ hiệu quả trong hoạt động tiếp thị, quảng bá trực tuyến, thương mại điện tử…

Theo Tổng cục Du lịch, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, đòi hỏi ngành Du lịch phải chủ động thích ứng để phát triển bền vững trong bối cảnh bình thường mới.

Chuyển đổi số là giải pháp then chốt để chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động của ngành Du lịch… Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của tổ chức, cá nhân về cách làm việc, cách sống, phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số.

Ở Việt Nam, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.”

Chính phủ xác định đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục