Sau hàng loạt vụ tấn công, cướp bóc và quấy rối tình dục nhằm vào phụ nữ trong đêm Giao thừa vừa qua ở một số thành phố của Đức, thái độ của người dân nước này đối với người tị nạn đã có những thay đổi lớn.
Kết quả cuộc thăm dò dư luận của Viện Nghiên cứu Yougov công bố ngày 12/1, cho thấy ngày càng có nhiều người dân Đức được hỏi phản đối việc tiếp nhận người di cư nước ngoài, với 61% số ý kiến phản đối và chỉ có 25% người ủng hộ việc này.
Trong khi đó, số người lạc quan cho rằng Đức vẫn có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng người tị nạn cũng đã giảm khi chỉ còn 15% số ý kiến nhận định Berlin còn khả năng tiếp nhận thêm người tị nạn so với mức 29% hồi tháng 9/2015.
Cũng theo kết quả thăm dò, có tới 63% số ý kiến cho rằng lượng người tị nạn như hiện nay ở Đức là quá nhiều, tăng mạnh từ mức 45% hồi tháng 9/2015.
Một cuộc thăm dò khác của báo Đức Bild cũng cho biết những bất ổn an ninh vừa xảy ra cũng đã tác động tiêu cực tới uy tín của liên minh cầm quyền Đức.
Tỷ lệ ủng hộ liên đảng bảo thủ gồm đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU)/đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đều giảm trong khi tỷ lệ ủng hộ đảng cánh hữu "Sự lựa chọn vì nước Đức" (AfD) vốn hoài nghi châu Âu lại bất ngờ tăng mạnh, đạt tỷ lệ ủng hộ 11%.
Trong khi đó, ngày 11/1, hàng nghìn người biểu tình ủng hộ phong trào "Người châu Âu yêu nước phản đối Hồi giáo hoá phương Tây" (PEGIDA) đã tập trung tại thành phố Leipzig ở miền Đông nước Đức để phản đối dòng người tị nạn nước ngoài tới nước này, đối tượng bị cho là đã gây ra một loạt các vụ tấn công, cướp và quấy rối phụ nữ trong đêm Giao thừa vừa qua tại nhiều thành phố của Đức.
Người biểu tình thuộc nhánh PEGIDA tại Leipzig (LEGIDA) đã bày tỏ sự tức giận đối với Thủ tướng Đức Angela Merkel và đổ lỗi chính sách "mở cửa đón người di cư" của bà đã gây ra những bất ổn cho đất nước khi cho phép khoảng 1,1 triệu người tìm kiếm tị nạn kéo tới Đức trong năm ngoái.
Đám đông cũng hô vang các khẩu hiệu với nội dung phản đối và kêu gọi trục xuất người tị nạn nước ngoài.
Mục đích của LEGIDA là nhằm phản đối các vụ tấn công nhằm vào phụ nữ ở thành phố Cologne ở miền Tây nước Đức đêm 31/12 vừa qua, nơi hàng trăm phụ nữ đã bị một nhóm những người di cư được cho là đến từ các nước Arab và Bắc Phi sàm sỡ, quấy rối và cướp bóc.
Hiện cảnh sát đang tiến hành điều tra 19 nghi can gây ra vụ việc.
Trước những diễn biến đáng lo ngại ở trong nước, tờ báo DWN (Tình hình kinh tế Đức) đưa tin, Thủ tướng Merkel đã phải hủy kế hoạch tới Davos (Thụy Sĩ) dự Diễn đàn Kinh tế thế giới để tập trung giải quyết công việc trong nước.
Chính phủ liên minh của bà hiện đang thúc đẩy thông qua các luật mới trừng phạt hoặc trục xuất những người di cư phạm tội. Hiện mỗi ngày, giới chức Đức phải đưa trở lại Áo hàng trăm người tị nạn từ bang Bayern.
Riêng trong ngày 10/1 vừa qua, có tới 260 người tị nạn bị chuyển trở lại Áo vì không đáp ứng quy chế xin tị nạn tại Đức.
Bộ Ngoại giao Đức ngày 11/1 cho số người Iraq tại Đức muốn hồi hương tăng gấp 10 lần trong vài tháng trở lại đây.
Tuy nhiên, Cục Di trú và người tị nạn liên bang (BMBF) thừa nhận hiện vẫn còn khoảng 660.000 đơn xin tị nạn chưa hoàn thiện hoặc thậm chí chưa được xem xét đến.
Trong vài tuần qua, Berlin đã hối thúc các nước có người di cư và tị nạn cấp hộ chiếu cho những công dân muốn hồi hương. Bộ trưởng Nội vụ liên bang Đức Thomas de Maiziere thậm chí yêu cầu gắn hỗ trợ phát triển của Đức với các nước sẵn sàng tiếp nhận trở lại công dân không có triển vọng được tị nạn tại Đức.
Ngoài ra, Đức cũng tăng cường kiểm soát biên giới bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) để duy trì sự ổn định của Hiệp ước Tự do đi lại Schengen./.