Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí chuyên đề The Astrophysical Journal Letters cho biết ngôi sao "chủ" và hành tinh DS Tuc Ab xoay quanh nó hiện có tuổi thọ khoảng 45 triệu năm - vẫn là giai đoạn "thiếu niên" nếu tính theo thời gian của các hành tinh. Ngôi sao và hành tinh này do Vệ tinh Khảo sát ngoại hành tinh trong vũ trụ (TESS) của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện trong khi đang làm nhiệm vụ.
Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Dartmouth cho biết hành tinh bên ngoài Hệ Mặt Trời này không còn phát triển nữa, nhưng do tuổi còn trẻ, nên hành tinh này vẫn đang trải qua những thay đổi nhanh chóng như mất khí quyển do bức xạ phát ra từ ngôi sao chủ của nó.
Các hành tinh thường trở nên lớn hơn khi lần đầu tiên hình thành và trở nên nhỏ hơn theo thời gian, sau đó nguội đi và mất dần bầu khí quyển. Tuy nhiên, các hành tinh có thể mất hàng triệu hoặc hàng tỷ năm để đạt đến "độ chín", quá trình này không thể quan sát được trong thời gian thực. Do đó, các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm các hành tinh xung quanh những ngôi sao trẻ để tìm hiểu cách các hành tinh phát triển.
[Tàu vũ trụ chạy bằng năng lượng Mặt Trời bay quanh Trái Đất]
Ngoại hành tinh cách Trái Đất khoảng 150 năm ánh sáng nói trên có hai Mặt Trời và tạo nên một quỹ đạo đầy đủ xung quanh ngôi sao chính của nó chỉ trong 8 ngày. Ngoại hành tinh này có kích thước gấp 6 lần Trái Đất, tương đương giữa kích thước của Sao Hải Vương và Sao Thổ. Với kích thước ấy, nó có thể có thành phần tương tự như các hành tinh khổng lồ trong Hệ Mặt Trời của chúng ta.
Người đứng đầu nghiên cứu nói trên, nhà khoa học Elisabeth Newton giải thích: "Độ sáng của ngôi sao cho phép chúng ta nghiên cứu hành tinh một cách chi tiết bởi khi càng có nhiều photon, bạn càng có số liệu thống kê tốt hơn. Một khám phá về loại hành tinh này với độ tuổi độc đáo và kích thước khác thường như vậy sẽ không thể thực hiện được nếu không có TESS".
Hiện nhóm nghiên cứu của bà Newton đang hy vọng sẽ phát hiện ra sự bốc hơi khí quyển trong các vận động của hành tinh này. Hiểu được quá trình này có thể giúp các nhà nghiên cứu dự đoán những gì có thể xảy ra với ngoại hành tinh trong hàng tỷ năm tới, đồng thời cũng có thể hiểu được vì sao thất thoát khí quyển có thể ảnh hưởng đến các hành tinh lâu đời, bao gồm cả Trái Đất.
Vệ tinh TESS được phóng lên quỹ đạo vào ngày 18/4/2018. Vệ tinh này sẽ khảo sát khoảng 200.000 ngôi sao sáng nhất gần Mặt Trời để tìm kiếm các ngoại hành tinh, bao gồm cả những ngôi sao có thể hỗ trợ sự sống./.