Khoảng 5,5 triệu người dân tại thủ đô Damacus của Syria đang phải sống trong tình cảnh thiếu nước trầm trọng.
Liên hợp quốc ngày 5/1 đã cảnh báo về hậu quả tàn khốc của tình trạng này, đồng thời nêu rõ mọi hành vi phá hoại hay chặn nguồn nước sinh hoạt tại khu vực đều có thể coi là "tội ác chiến tranh."
Phát biểu trước báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), người đứng đầu Nhóm công tác nhân đạo của Liên hợp quốc ở Syria, ông Jan Egeland cho biết chỉ tính tại Damacus, đã có 5,5 triệu người dân đang bị cắt hoặc giảm thiểu nguồn cung cấp nước. Đặc biệt tại khu vực Wadi Barada, nơi lực lượng chống đối chiếm đóng gần thủ đô Damacus, nguồn nước sinh hoạt đã bị cắt kể từ ngày 22/12, gây ra tình trạng thiếu trầm trọng.
Cho đến nay, quân đội chính phủ và lực lượng đối lập tại Syria đang cáo buộc lẫn nhau trong cuộc xung đột dẫn đến tình trạng thiếu nước trầm trọng.
Trong khi quân chính phủ lên án lực lượng đối lập tại thủ đô cố tình tấn công vào cơ sở hạ tầng nguồn nước, gây rò rỉ nhiên liệu làm nhiễm độc nguồn nước, thì phe này cho rằng các đường ống dẫn nước bị phá hủy là do các cuộc tấn công của quân chính phủ.
Theo ông Egeland, mặc dù chưa thể tiếp cận hiện trường nhằm xác định cụ thể phía nào phá hủy nguồn nước tại Damacus, song ông cho biết các đường ống bị phá hủy đều là do các cuộc tấn công hoặc phá hoại ngầm. Ông nhấn mạnh nếu không sớm phục hồi, người dân ngoài việc thiếu nguồn nước sinh hoạt, có thể nhiễm các bệnh truyền nhiễm do sử dụng các nguồn nước ô nhiễm.
Ông Egeland cũng cho biết lệnh ngừng bắn mong manh tại Syria gây khó khăn cho các tổ chức nhân đạo thực hiện công tác cứu trợ tại khu vực xung đột./.