Người đầu bếp khát khao đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới

Không chỉ mở 10 nhà hàng Phở Việt tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, anh Tôn Ngọc Hiệp, người từng là đầu bếp khách sạn 5 sao ở TP Hồ Chí Minh còn ấp ủ dự định đưa thương hiệu này sang Anh và Mỹ.
Người đầu bếp khát khao đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới ảnh 1Nhà hàng Pho Vietz tại  Trung tâm mua sắm Utama. (Ảnh: Mạnh Tuân/Vietnam+)

"Tôi không những mong muốn giới thiệu với người Malaysia về ẩm thực Việt Nam mà còn muốn nhiều bạn bè quốc tế biết đến ẩm thực Việt. Nếu đại dịch COVID-19 không xảy ra, năm 2020 tôi đã đưa Pho Vietz sang Anh và Mỹ, " anh Tôn Ngọc Hiệp chia sẻ.

Malaysia là một quốc gia đa sắc tộc với hơn 50% dân số là người Malaysia bản địa, đồng thời là cũng là tín đồ Hồi giáo, phần còn lại chủ yếu là người gốc Hoa và Ấn Độ, điều này đồng nghĩa với việc ẩm thực của Malaysia cũng rất đa dạng và phong phú.

Do vậy, tìm được một chỗ đứng trong thị trường ẩm thực nước này, nhất là tại các đại siêu thị trung tâm rất khó khăn, vậy mà anh Hiệp đã có đến tận 10 nhà hàng Pho Vietz chỉ riêng tại thủ đô Kuala Lumpur.

Không dừng ở con số ấn tượng này, anh còn ấp ủ mở thêm 5 nhà hàng nữa trong năm nay, bên cạnh việc điều hành một nhà hàng Pho Vietz tại Hong Kong và những dự án “táo bạo” đưa thương hiệu này sang Manchester và New York.

Là một đầu bếp của khách sạn năm sao Equatorial tại Thành phố Hồ Chí Minh vào những năm 1990, anh Hiệp đã mang trọng trách giới thiệu ẩm thực Việt sang Thụy Sĩ với chương trình kéo dài 3 tháng.

Chuyến công tác dài ngày đó đã khơi lên trong anh niềm hân hoan, tự hào khi tận mắt chứng kiến người nước ngoài đón nhận và đánh giá cao ẩm thực nước nhà.

Cơ duyên đến với Malaysia thật bất ngờ khi Equatorial tiếp tục đưa anh sang Malaysia để quảng bá ẩm thực. Tại đây, anh có cơ hội tiếp xúc với những người đầu bếp gốc Hoa, những người đang muốn chinh phục ẩm thực Việt và đưa ẩm thực Việt vào thực đơn của họ, chính vì vậy họ đã thuyết phục anh sang làm cho họ.

[Người thổi hồn cho ẩm thực Việt Nam trên vùng đất Malaysia]

Lúc đầu chỉ là kế hoạch thử nghiệm, sau này càng làm việc anh càng nhận ra rằng đây là nơi có thể phát triển bởi có rất nhiều “fan” ẩm thực Việt nơi đây.

Trong quá trình làm việc cho nhà hàng người Hoa anh nhận ra rằng món ăn của mình không còn “thuần Việt”, những gia vị “xứ người” đã khiến bát phở không còn chuẩn vị, bát bún bò Huế trở nên chua hơn...

Không hài lòng với sự “lai căng” đó, năm 2014 anh đã cùng với một số cổ đông thành lập nhà hàng Pho Vietz. Tại đây, anh được chế biến thức ăn theo đúng ý của mình, bằng những nguyên liệu Việt, nêm nếm nước dùng chuẩn vị phở hay chuẩn vị bún bò.

Người đầu bếp khát khao đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới ảnh 2Ông Tôn Ngọc Hiệp (thứ ba từ bên trái) - Chủ chuỗi cửa hàng Phở Việt tại Malaysia. (Ảnh: Mạnh Tuân/Vietnam+)

Vốn là một người kỹ tính, anh Hiệp không những muốn các món ăn của mình giữ được “nguyên bản,” mà còn gây ấn tượng với thực khách ngay từ lần đầu tiên họ gọi món bằng cách trang trí món ăn.

Để làm được điều này, anh đã phải bay qua bay lại giữa Việt Nam và Malaysia rất nhiều lần để tìm cho được nguồn cung nguyên liệu ổn định, có chất lượng và đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của Malaysia.

Chia sẻ với phóng viên, anh nhấn mạnh: “Tôi cố gắng hết sức để có đầy đủ mọi nguyên liệu như ở Việt Nam. Mặc dù không thể làm được bánh phở tươi nhưng ở Malaysia tôi đã đặt được nhà máy sản xuất được bánh phở giống đến 90%. Giữ được bản chất hay “cái hồn” của món ăn Việt là điều tôi luôn hướng đến. Chính điều này đã tạo nên sự khác biệt và độc đáo của món ăn chúng ta.”

Suy tư đôi chút như để hồi tưởng lại cái thuở 20 năm trước khi mới đến Malaysia, anh Hiệp tâm sự: “Để mở được nhà hàng trong một đại siêu thị của Malaysia, hay cụ thể hơn là ở trong đại siêu thị ở thủ đô Kuala Lumpur, Ban quản lý đại siêu thị sẽ cử người đến đánh giá chất lượng, và sau đó nếu mọi ủy viên của Ban quản lý đều đồng ý, đại diện của Ban sẽ viết thư mời tham gia kinh doanh tại siêu thị. "

“Họ làm việc này rất bí mật, và mình cũng không biết đâu là người thẩm định, đâu là khách hàng.” Sau nhiều vòng thẩm định, khi nhận được thư mời anh mới biết là họ (Ban quản lý đại siêu thị) đã để ý và thẩm định chất lượng thức ăn của mình.

“Cứ như vậy, sau 6 năm ra đời thương hiệu Pho Vietz, giờ tôi đã phát triển được 10 nhà hàng và có khoảng 120 nhân viên” - anh cho biết.

Người đầu bếp khát khao đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới ảnh 3Trang trí nội thất tại nhà hàng Pho Vietz tại Trung tâm mua sắm Pavilion gợi nhớ hình ảnh Việt Nam. (Ảnh: Mạnh Tuân/Vietnam+)

Ánh mắt sáng lên khi được hỏi về cái tên Pho Vietz, anh chia sẻ: “Phở là món ăn đặc trưng của Việt Nam mà du khách nước ngoài nào cũng biết đến, Việt là Việt Nam. Hai từ đó ghép lại gợi cho du khách nhớ về ẩm thực Việt.”

Để cùng lúc điều hành được 10 nhà hàng và đảm bảo chất lượng thức ăn tại các nhà hàng đồng đều như nhau, anh đã thành lập “trung tâm bếp nấu” – nơi chế biến và sản xuất thức ăn.

Trước giờ nhà hàng mở cửa, ôtô chuyên dụng được trang bị để chuyên chở thức ăn sẽ đi giao thức ăn từ “trung tâm bếp nấu” đến từng nhà hàng. “Quản lý và điều hành như thế này mình yên tâm hơn về cả đầu vào và đầu ra. Chất lượng sản phẩm, chất lượng hoa quả tươi, càphê,” anh nói.

Tất bật với lịch làm việc, song anh vẫn không quên mày mò, sáng tạo luôn thay đổi thực đơn với những món ăn mà khách hàng ưa thích nhất mang đậm hương vị Việt. “Món tủ” của Pho Vietz gồm có Phở bò, phở gà, bún bò Huế, bún nem, bánh cuốn, bánh mì và tất nhiên càphê thì rất nhiều loại. 

Đôi bạn trẻ người Malaysia Richard Chong và Summer Lee cho biết, hai món mà họ thích nhất tại nhà hàng là phở bò và càphê. “Cà phê ở đây tuyệt lắm, đậm đà, thơm nức. Hương vị của phở rất thơm ngon, tôi thích cách chế biến của nhà hàng này. Tôi có thể ăn phở hàng ngày và hàng tuần.”

Cùng nhâm nhi với tôi tách càphê sữa đá do chính anh pha trong một nhà hàng Pho Vietz tại Utama Shopping Centre, anh giới thiệu với tôi người bạn đồng hành tri kỷ gốc Hoa - Eric.

“Nhờ có Eric mà tôi vượt qua được những khó khăn ban đầu. Anh cũng là trợ thủ đắc lực của Pho Vietz về mặt pháp lý. Eric là sứ giả của ẩm thực Trung Quốc, còn tôi là sứ giả của ẩm thực Việt. Chúng tôi là một cặp bài trùng, tương hỗ để đưa đưa ẩm thực Việt đến bạn bè quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục