Nguy cơ 'bẫy tiêu dùng' từ tình trạng lạm dụng dữ liệu lớn

Dữ liệu lớn có thể mang lại sự tiện lợi, nâng cao tốc độ và chất lượng của phát triển kinh tế-xã hội, song mặt khác cũng làm nảy sinh các vấn đề như lạm dụng dữ liệu, rò rỉ dữ liệu...
Nguy cơ 'bẫy tiêu dùng' từ tình trạng lạm dụng dữ liệu lớn ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: ckgsb.edu.cn)

Theo báo Liên hợp buổi sáng, bảo mật dữ liệu đã trở thành vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và phát triển kinh tế-xã hội.

Ngày 10/6, kỳ họp thứ 29 của Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XIII đã thông qua Luật bảo mật dữ liệu.

Là khung pháp lý cơ bản trong lĩnh vực dữ liệu, Luật bảo mật dữ liệu chú trọng đến an toàn và phát triển, đưa ra các quy định hỗ trợ thúc đẩy bảo mật dữ liệu, sử dụng công khai dữ liệu của chính phủ…

Mục tiêu là phát huy tối đa vai trò tài nguyên cơ bản và động lực sáng tạo của dữ liệu, thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Cùng với sự tiến bộ của công nghệ thông tin, dữ liệu lớn (big data) đã hiện diện khắp mọi nơi.

[Tránh nguy cơ lộ thông tin cá nhân khi dùng phần mềm học online]

Một mặt, dữ liệu lớn có thể mang lại sự tiện lợi, nâng cao tốc độ và chất lượng của phát triển kinh tế-xã hội, song mặt khác cũng làm nảy sinh các vấn đề như lạm dụng dữ liệu, rò rỉ dữ liệu, lộ thông tin cá nhân…

Do đó, làm thế nào để vừa khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển sáng tạo của dữ liệu lớn, vừa tăng cường quy định để thúc đẩy phát triển một cách chuẩn mực luôn là vấn đề trọng điểm của công tác lập pháp.

Liên quan đến điều này, một số chuyên gia trong ngành kiến nghị, Trung Quốc cần hoàn thiện lập pháp để xây dựng hành lang pháp lý, xác định rõ lằn ranh đỏ pháp lý. Đồng thời nước này cần nắm chắc công cụ, tăng cường sự giám sát của các bên, thực hiện "dữ liệu tích cực."

Bẫy tiêu dùng khi sử dụng dữ liệu lớn

Mô hình tiêu dùng trả trước bị chỉ trích rộng rãi trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ đã bắt đầu khoác lên "chiếc áo mới" dưới sự hỗ trợ của dữ liệu lớn. Người tiêu dùng bắt đầu đối diện với "bẫy tiêu dùng" phiên bản nâng cấp.

Năm 2020, một phụ nữ tên Bạch ở Bắc Kinh vào làm việc tại một văn phòng luật sau khi tốt nghiệp, cô luôn muốn tìm giáo viên nước ngoài để nâng cao trình độ ngoại ngữ của mình.

Sau khi nghiên cứu một số quảng cáo trên mạng, cô đã chọn dịch vụ của một công ty giáo dục nổi tiếng chuyên đào tạo trực tuyến khẩu ngữ tiếng Anh cho nhân viên văn phòng theo hình thức "một kèm một" do giáo viên nước ngoài đứng lớp.

Mức giá ban đầu của khóa học này là 47.880 nhân dân tệ (khoảng 7.500 USD), tổng thời lượng khóa học là 420 tiết (mỗi tiết 25 phút), bình quân mỗi tiết 114 nhân dân tệ.

Nhân viên chăm sóc khách hàng giới thiệu với cô qua điện thoại rằng, nếu trả tiền học phí một lần thì cô có thể được chiết khấu 50%. Mức giá cuối cùng phải trả là 23.940 nhân dân tệ, bình quân mỗi tiết chỉ 57 nhân dân tệ, hơn nữa có thể thanh toán theo hình thức trả góp.

Xuất phát từ thói quen nghề nghiệp, cô Bạch đã cẩn thận kiểm tra điều khoản hợp đồng điện tử, sau khi xem xong thấy có một số điểm không hợp lý.

Cô phát hiện đơn vị đào tạo đã đưa hai điều khoản quan trọng vào trong hợp đồng điện tử. Một là không thể hoàn phí sau 30 ngày ký hợp đồng, hai là khóa học không có giá trị nếu không hoàn thành sau 820 ngày.

Học phí hơn 20.000 nhân dân tệ không phải là thấp, hơn nữa chương trình học phải hoàn thành trong khoảng thời gian nhất định, trong vòng 820 ngày hoàn thành 420 bài.

Trong khi đó, do tính chất công việc bận rộn, thường xuyên làm thêm giờ và đi công tác, cô thực sự không thể hoàn thành chương trình trong thời gian quy định. Sau khi cân nhắc, cuối cùng cô Bạch đã không đăng ký khóa học.

Đây là mô hình khai thác dữ liệu lớn kiểu "đánh lừa." Theo Giáo sư Phó Lâm Phương thuộc Học viện Văn hóa và du lịch Chiết Giang, mô hình kinh doanh này có ba khâu. Đầu tiên là thiết kế giáo trình, thời lượng khóa học thường lên đến hàng trăm tiết, đòi hỏi thời gian dài mới có thể hoàn thành, phần lớn người tiêu dùng đều không thể hoàn thành.

Thứ hai là đưa ra mức giá và điều kiện thanh toán rất ưu đãi để thu hút số lượng lớn người tiêu dùng. Ba là thiết kế hợp đồng điện tử có điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng, hơn nữa tìm cách không để cho người tiêu dùng chú ý.

Trong thời đại thông tin, thu thập và sử dụng dữ liệu lớn dường như liên quan đến tất cả các nền tảng trên mọi lĩnh vực.

Đứng trước lợi ích khổng lồ do dữ liệu lớn mang lại, các nhà kinh doanh đều nhanh chóng tham gia, tiến hành thu thập và phân tích dữ liệu người tiêu dùng. Điều đó dẫn đến hiện tượng xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng diễn ra phổ biến.

Cách thông thường để sử dụng dữ liệu lớn là các nhà kinh doanh sử dụng dữ liệu lớn để phác họa người tiêu dùng tiềm năng, sau đó sử dụng những đặc trưng của họ để thu hút chính xác đối tượng người tiêu dùng tương ứng mua các sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể.

Tuy nhiên, trên thực tế, một số loại hàng hóa và dịch vụ này có thể có một số khiếm khuyết, hoặc người tiêu dùng thực sự không có nhu cầu.

Do việc sử dụng dữ liệu lớn của các nhà kinh doanh khó nhận biết, nên người tiêu dùng cũng không dễ phát hiện khi quyền lợi của họ bị xâm phạm.

Xét về tổng thể, sử dụng dữ liệu lớn "đánh lừa" nghe có vẻ hợp pháp và chính đáng, nhưng thực tế lại xâm hại quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng. Người tiêu dùng rất khó xác định tính bất hợp pháp của vấn đề này, do đó việc xử lý những vụ việc này rất khó khăn.

Giáo sư Phó Lâm Phương cho rằng người tiêu dùng đứng ở thế yếu khi đối diện với các nhà kinh doanh nắm giữ trong tay dữ liệu lớn và các thuật toán mạnh mẽ. Hành vi này sẽ gây nên hiệu ứng ngược đối với việc đổi mới thị trường và ứng dụng dữ liệu lớn, do đó cần phải tìm giải pháp ứng phó về mặt cơ chế.

Sử dụng dữ liệu lớn gắn liền với giám sát có hiệu quả

Theo Giáo sư Trương Tân Bảo của Học viện pháp lý, Đại học Nhân dân Trung Quốc, sử dụng dữ liệu lớn để khai thác thói quen của khách hàng hay để "đánh lừa" người tiêu dùng đều vi phạm các quy định liên quan của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xâm hại quyền giao dịch công bằng của người tiêu dùng. Đồng thời cũng vi phạm nguyên tắc công bằng, nguyên tắc tín dụng trung thực trong Bộ Luật dân sự.

Internet không bất hợp pháp, dữ liệu lớn và các thuật toán dựa trên dữ liệu lớn đều là trung lập, vấn đề then chốt là cách thức thao tác đằng sau. Do đó, quy chế ứng dụng dữ liệu lớn, quản lý các thuật toán…, cần phải trở thành trọng điểm của công tác lập pháp.

Quy định tạm thời về quản lý dịch vụ kinh doanh du lịch trực tuyến có hiệu lực từ ngày 1/10/2020 xác định rõ, những nhà kinh doanh du lịch trực tuyến không được lạm dụng các biện pháp công nghệ như phân tích dữ liệu lớn… để xâm phạm quyền lợi hợp pháp của du khách.

Ngoài ra, hoạt động lập pháp địa phương cũng bắt đầu nhắm đến các hành vi lạm dụng dữ liệu lớn.

Gần đây, dự thảo "Điều lệ dữ liệu của đặc khu kinh tế Thâm Quyến" đã được đăng trên trang web của Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông để lấy ý kiến đóng góp.

Trong số đó, vấn đề sử dụng dữ liệu lớn của các nền tảng Internet được các giới trong xã hội phản ánh gay gắt. Dự thảo lấy ý kiến về đề xuất xử phạt nặng.

Cụ thể, thu nhập bất hợp pháp (do lạm dụng dữ liệu lớn) từ 10.000 nhân dân tệ trở xuống phạt 50.000 nhân dân tệ, trường hợp nghiêm trọng có thể phạt 50 triệu nhân dân tệ hoặc 5% doanh thu của năm trước đó.

Một số chuyên gia trong ngành nhấn mạnh hiện nay các quy định pháp lý liên quan đến việc sử dụng và quản lý dữ liệu lớn vẫn tương đối chung chung. Do đó, cần tăng cường cụ thể hóa và đẩy nhanh việc kiện toàn hệ thống pháp lý, kịp thời bịt kín những lỗ hổng pháp lý và lỗ hổng quản lý.

Theo Giáo sư Trình Tiếu của Học viện pháp lý, Đại học Thanh Hoa, doanh nghiệp sử dụng dữ liệu lớn để tiếp thị bán hàng và thực hiện các hoạt động kinh doanh khác, mục đích đều là tối đa hóa lợi ích kinh doanh. Hệ thống pháp lý hiện nay như Bộ luật dân sự, Luật thương mại điện tử, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… nên tăng cường hơn nữa sự giám sát và cụ thể hóa ở cấp độ luật và quy định, trên cơ sở đó điều chỉnh tốt hơn hành vi của người kinh doanh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.

Giáo sư Phó Lâm Phương kiến nghị trước hết cần ban hành quy tắc liên quan đến hoạt động kinh doanh tiêu dùng trả trước trực tuyến, quy định các doanh nghiệp phải thông báo rõ ràng các điều khoản hợp đồng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng trước khi thanh toán. Cách này có thể xóa bỏ "bẫy hợp đồng" và bảo vệ quyền được biết của người tiêu dùng ở mức độ nhất định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục