Nhà mạng gặp khó gì khi thực hiện chuyển mạng giữ nguyên số?

Đến nay, dù các nhà mạng khẳng định đã sẵn sàng cho việc thực hiện chuyển mạng di động giữ nguyên số, song vẫn còn những “lăn tăn” nhất định.
Nhà mạng gặp khó gì khi thực hiện chuyển mạng giữ nguyên số? ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: MBF)

Được xem là “cú hích” buộc các doanh nghiệp viễn thông phải nâng cao năng lực mạng lưới để giữ chân khách hàng, theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển mạng di động giữ nguyên số sẽ được thực hiện trong năm 2018.

Đến nay, dù các nhà mạng khẳng định đã sẵn sàng cho việc này song vẫn còn những “lăn tăn” nhất định.

Khách hàng hưởng lợi

Trước đây, khi không hài lòng với dịch vụ của nhà cung cấp, người tiêu dùng viễn thông Việt Nam chỉ có cách khiếu nại hoặc lựa chọn một số di động của mạng khác để sử dụng. Điều này sẽ dẫn đến bất cập khi liên lạc khi thay đổi số. Thế nhưng, với việc thực hiện chuyển mạng giữ nguyên số, người dùng sẽ thoải mái “bê” nguyên số di động của mình sang nhà mạng khác.

Theo các chuyên gia, khi chuyển mạng giữ số được thực hiện, thị trường viễn thông sẽ chứng kiến một cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt giữa các nhà mạng. Khi đó, người dùng sẽ thực sự trở thành đối tượng được chú ý đặc biệt, được sử dụng những dịch vụ tốt nhất và với giá thành hợp lý.

Đại diện mạng di động MobiFone cho hay, để giữ chân hay thu hút thêm thuê bao, các nhà mạng sẽ tăng cường chất lượng dịch vụ cũng như công tác chăm sóc khách hàng. Do đó, khi triển khai chính sách này, người được hưởng lợi nhiều nhất là người tiêu dùng.

Ngoài việc tăng cường mạng lưới, nhà mạng này tiếp tục nâng cao giá trị thương hiệu thông qua kế thừa và phát huy giá trị truyền thống và cốt lõi của doanh nghiệp, đẩy mạnh nhận diện và độ yêu thích thương hiệu. Nhà mạng này đặt mục tiêu chăm sóc tốt nhất cho khách hàng hiện có và đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu của khách hàng mới.

Trong khi đó, để chuẩn bị cho chiến dịch chuyển mạng giữ số VinaPhone đã thành lập ban chiến lược thực hiện nhiều giải pháp tối ưu nhất nhằm giữ chân và thu hút khách hàng. VinaPhone đã đầu tư thiết bị, cải tiến công nghệ để cải thiện chất lượng, nâng cấp hệ thống hạ tầng hiện đại nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ nhằm cung cấp dịch vụ tốt nhất.

Về phía mình, Viettel khẳng định có một hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Nhà mạng này cũng sẵn sàng “may đo” các sản phẩm, dịch vụ, phù hợp với nhu cầu khách hàng.

Ngoài ra, với lợi thế hạ tầng rộng khắp, Viettel đang có cộng đồng sử dụng dịch vụ lớn nhất Việt Nam sẽ giúp khách hàng được hưởng chính sách gọi nội mạng tiết kiệm nhất. Do đó, nhà mạng khẳng định sẽ có nhiều lợi thế trong việc chuyển mạng giữ số…

Còn chút… lăn tăn

Theo thông tin từ nhà chức trách, trong 5 nhà mạng, Gmobile không tham gia chuyển mạng giữ số trong khi Vietnamobile chỉ tham gia từ đầu năm 2019.

Về mặt kỹ thuật, theo đại diện VinaPhone, hệ thống cổng chuyển mạng giữ số của đơn vị này đã kết nối thành công với trung tâm chuyển mạng quốc gia. Theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, VinaPhone đang trong quá trình thử nghiệm dịch vụ với các nhà mạng khác.

Nhà mạng này cũng nghiên cứu đưa ra các quy định cơ bản về tiếp nhận và thực hiện thủ tục chuyển mạng nhanh chóng với mức phí chuyển mạng hợp lý; điều chỉnh quy trình, hệ thống tính cước… để sẵn sàng cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số cho khách hàng.

Đại diện của MobiFone khẳng định luôn theo sát lộ trình triển khai của cơ quan chức năng, trao đổi thông tin, phối hợp và hỗ trợ các nhà mạng trong quá trình test thử nghiệm.

Trong khi đó, phía Viettel cũng cho hay đã chuẩn bị kỹ càng cả về kỹ thuật, hạ tầng và chính sách dành cho khách hàng chuyển mạng giữ số để đảm bảo có thể thực hiện kế hoạch theo đúng lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tuy nhiên, theo đại diện của một nhà mạng, việc triển khai chuyển mạng giữ nguyên số sẽ tạo ra một số khó khăn như hệ thống phức tạp, việc chuyển mạng liên quan đến nhiều đơn vị nên công tác phối hợp để xử lý các lỗi phát sinh ban đầu sẽ mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, chuyển mạng giữ số là dịch vụ đòi hỏi sự tham gia của các nhà mạng. Hiện nay, nguồn lực của các doanh nghiệp viễn thông không đồng đều nhau về độ phủ sóng, chất lượng mạng lưới, kênh phân phối… nên doanh nghiệp có thị phần thấp sẽ gặp khó khăn...

Ngoài ra, nếu cơ quan quản lý nhà nước không kiểm soát chặt công tác giá cước, khuyến mại sẽ dễ gây ra cuộc chiến về giá trong thị trường viễn thông…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục