Nhân lực du lịch: Chưa đáp ứng nhu cầu hiện tại

30% lao động chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, lao động trình độ đại học về du lịch chỉ chiếm hơn 3% tổng số lao động toàn ngành.
Khoảng 30% lao động của ngành du lịch chưa tốt nghiệp trung học phổ thông. Lao động được đào tạo đại học và sau đại học về du lịch chỉ chiếm hơn 3% tổng số lao động toàn ngành.

Đây là thực trạng vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố tại Hội thảo quốc gia lần thứ hai về đào tạo nhân lực du lịch theo nhu cầu xã hội được tổ chức sáng nay (17/8) tại Hà Nội.

45% hướng dẫn viên chưa đạt chuẩn tiếng Anh


“Cung và cầu nhân lực ngành du lịch vẫn còn khoảng cách lớn và không dễ thu hẹp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao,” ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội nói.

Đưa ra dẫn chứng cụ thể về sự yếu kém của đội ngũ nhân lực ngành du lịch hiện nay, ông Dũng cho biết, một khảo sát cho thấy có tới 45% hướng dẫn viên du lịch và điều hành tour không đạt chuẩn tiếng Anh cần thiết cho nghề nghiệp của mình. Tỷ lệ này ở nhân viên lễ tân là gần 70%, nhân viên nhà hàng là 85%.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi thu hút tới 65% tổng số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và có lực lượng nhân lực du lịch lớn nhất cả nước, chiếm tới 24% tổng số nhân lực toàn ngành, tình hình cũng không khả quan hơn.

Theo ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố, phần lớn lực lượng lao động du lịch vẫn chưa thông qua đào tạo chính quy trong nghiệp vụ chuyên môn lẫn trong quản lý điều hành, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tư nhân.

Thậm chí, cả những đối tượng được đào tạo chính quy cũng kém về chất lượng. Số lượng sinh viên ra trường được tuyển dụng vào làm trong các doanh nghiệp du lịch còn thấp. Một trong những nguyên nhân là họ không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn và ngoại ngữ. “Đây là thách thức đối với các trường,” ông Khánh chia sẻ.

Chất lượng nhân lực ngành du lịch của các tỉnh thành khác thấp hơn nữa. Theo ông Đinh Viết Khánh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cần Thơ, trong số hơn 17.000 lao động du lịch của tỉnh, chưa đến 900 người có trình độ đại học và trên đại học, chiếm 6,3%. Điều này khiến vị giám đốc không khỏi băn khoăn: “Đây là con số rất đáng lo ngại và càng lo ngại hơn khi 6,3% đó bao gồm cả đại học các ngành khác chứ không phải chỉ chuyên ngành du lịch.”

Cũng theo ông Khánh, nhận xét chung của du khách và các doanh nghiệp là đa số nhân viên du lịch trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long chưa chuyên nghiệp, ngoại ngữ yếu, kiến thức chung về văn hóa, xã hội… chưa đạt yêu cầu.

Cần sự chung tay của doanh nghiệp

Trước thực trạng chất lượng còn thấp của ngành du lịch, vấn đề đào tạo nhân lực gắn với nhu cầu xã hội càng được đặt ra cấp thiết hơn.

Theo ông Mai Tiến Dũng, lao động du lịch không thiếu nhưng thiếu lao động có chất lượng. Và để cải thiện, cần sự chung tay của nhiều lực lượng, bộ ngành.

Phát biểu tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh việc nâng cao chất lượng giảng dạy thì sự gắn kết giữa các trường với các doanh nghiệp trong đào tạo là giải pháp hiệu quả, gắn lý thuyết với thực hành.

Đây cũng là ý kiến của ông Lã Quốc Khánh. Theo ông Khánh, đào tạo nguồn nhân lực du lịch phải qua hai bước: đào tạo trong trường và tại doanh nghiệp. Hai bước này không thể thay thế cho nhau mà phải được phối hợp với nhau. Trong đó, đào tạo tại trường phải đi trước, đào tạo tại doanh nghiệp là bước chuẩn bị cuối cùng để nhân lực sẵn sàng cho công việc.

Tuy nhiên, theo ông Tạ Quy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng phối hợp với các trường như tạo điều kiện cho sinh viên thực tập hay đặt hàng đào tạo. Vì thế, cần có sự thay đổi về luật doanh nghiệp, trong đó có nêu rõ trách nhiệm của lực lượng này trong công tác đào tạo.

Tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp cũng là nội dung được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội nhấn mạnh khi phát biểu tại hội thảo.

Theo Phó Thủ tướng, để nâng cao chất lượng nhân lực của ngành, các trường không thể đủ hết cơ sở vật chất để học sinh, sinh viên thực hành nên việc tham gia của các doanh nghiệp là rất quan trọng. Trong các nhà trường cần có trung tâm quan hệ với doanh nghiệp về cung ứng nhân lực và ngược lại, các doanh nghiệp cũng cần có một trung tâm về đào tạo./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục