AFP đưa tin, ngày 7/4, Nhật Bản đã bác bỏ phản đối của các nước láng giềng liên quan tới bộ sách giáo khoa mà nước này vừa thông qua do bộ sách này có nội dung đề cập tới vấn đề tranh chấp lãnh thổ và lịch sử nhạy cảm trước đây.
Trước đó một ngày, Bộ Giáo dục Nhật Bản thông báo tất cả 18 cuốn trong bộ sách giáo khoa xã hội mới được áp dụng trong các trường trung học cơ sở (cấp 2) là nhằm khẳng định chủ quyền của Nhật Bản đối với 2 quần đảo riêng rẽ mà nước này có tranh chấp với Trung Quốc và Hàn Quốc.
Các cuốn sách này cũng sử dụng từ "sự cố" khi đề cập tới vụ thảm sát Nam Kinh năm 1937.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu Đại sứ Nhật Bản tại nước này Koro Bessho tới để phản đối nội dung trong bộ sách, trong khi Tân Hoa xã của Trung Quốc phê phán Nhật Bản áp dụng chủ nghĩa xét lại lịch sử trắng trợn trong những cuốn sách lịch sử này.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã thẳng thừng bác bỏ những chỉ trích trên của hai nước láng giềng.
Ông nói: "Sách giáo khoa của nước chúng tôi được biên soạn với tinh thần công bằng và trung lập, dựa trên những tranh luận hàn lâm và học thuật. Do lập trường của nước chúng tôi về vấn đề Takeshima (Hàn Quốc gọi là Dokdo) là kiên định, chúng tôi phản hồi lại (Hàn Quốc) bằng cách tuyên bố rằng chúng tôi không thể chấp nhận sự phản đối của họ."
Trong khi đó, một quan chức Bộ Giáo dục Nhật Bản xác nhận rằng một trong số những cuốn sách giáo khoa của nước này không đề cập tới vụ thảm sát tại Nam Kinh, trong khi "nhiều người vẫn gọi vụ này là một sự cố, thay vì một vụ thảm sát"./.