Nhật Bản muốn học sinh “hiểu rõ” trước khi quyết định sử dụng AI

Nhật Bản kêu gọi đặc biệt thận trọng trong việc sử dụng AI của các học sinh phổ thông, nhấn mạnh rằng việc biến bài tập ở trường có sự hỗ trợ của AI thành bài làm của bản thân sẽ bị coi là gian dối.
Nhật Bản muốn học sinh “hiểu rõ” trước khi quyết định sử dụng AI ảnh 1Nhật Bản đã công bố hướng dẫn về sử dụng AI trong trường học. (Nguồn: Kyodo)

Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản hôm 4/7 đã công bố hướng dẫn về việc cho phép sử dụng ở mức độ hạn chế trí tuệ nhân tạo (AI) sáng tạo trong các trường học ở nước này.

Hướng dẫn này dành cho học sinh thuộc ba cấp tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông trung học ở Nhật Bản.

Theo hướng dẫn, học sinh Nhật nên hiểu rõ các đặc điểm của AI, bao gồm cả ưu điểm và nhược điểm của nó, đặc biệt là các vấn đề rò rỉ thông tin cá nhân và khả năng vi phạm bản quyền, trước khi quyết định sử dụng.

Bộ Giáo dục tuyên bố rõ ràng rằng không đồng tình với việc học sinh coi các báo cáo, bài tiểu luận hoặc bất kỳ tác phẩm nào khác do AI tạo ra là sản phẩm của các em. Bộ chỉ khuyến khích việc sử dụng AI trong việc học tiếng Anh và các hoạt động học nhóm, để học sinh có thể trao đổi và giải quyết nhiều quan điểm khác nhau, nâng cao chiều sâu của cuộc thảo luận.

Ngoài việc đưa ra các khuyến cáo với học sinh, Bộ Giáo dục cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo viên hiểu biết rõ về AI. Hướng dẫn của Bộ khuyến khích giáo viên sử dụng thông tin giả mạo, do AI tạo ra, làm tài liệu giảng dạy cho học sinh để các em có thể học cách kiểm tra thông tin thực tế. Bộ cũng đồng ý với việc giáo viên sử dụng các công cụ AI để giảm khối lượng công việc, thông qua việc hợp lý hóa nhiệm vụ hành chính và cải thiện phương pháp giảng dạy.

Theo Bộ Giáo dục, giáo viên Nhật Bản có thể sẽ phải loại bỏ các phương pháp kiểm tra và làm bài tập truyền thống. Ví dụ những bài báo cáo, thứ mà học sinh đã có thể dễ dàng nhờ AI sáng tạo thực hiện.

“Nếu bản thân giáo viên làm quen với công nghệ mới và học cách sử dụng nó một cách thuận tiện, an toàn và thông minh, họ sẽ có thể phản ứng phù hợp trong hoạt động giáo dục của mình,” ông Hisanobu Muto, trưởng nhóm dự án số hoá trường học tại Bộ Giáo dục Nhật Bản chia sẻ với trang tin Japan Times. “Chúng ta cần cải thiện kiến thức về AI của giáo viên và (thúc đẩy) sự thay đổi trong phong cách làm việc thông qua đào tạo giáo viên, đẩy mạnh việc sử dụng thông tin phù hợp trong dịch vụ công.”

[AI sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn thay vì sa thải hàng loạt]

Ngoài việc ban hành hướng dẫn sử dụng AI, Chính phủ Nhật Bản cũng có kế hoạch yêu cầu các công ty AI xem xét cải thiện sản phẩm của họ từ góc độ sử dụng cho mục đích giáo dục. Chẳng hạn các công ty sẽ phải lọc nội dung có hại, triển khai các tính năng bảo vệ thông tin cá nhân và phát triển các công cụ AI riêng, được thiết kế cho mục đích giáo dục.

Theo Bộ Giáo dục Nhật Bản, hướng dẫn về AI chỉ mang tính tạm thời và sẽ được cập nhật linh hoạt, dựa trên phản hồi cũng như sự phát triển của các quy tắc điều chỉnh khác liên quan đến công nghệ.

Một cuộc khảo sát do công ty quản lý phương tiện trực tuyến liên quan đến giáo dục CyberOwl, thực hiện trong giai đoạn từ tháng 4 tới tháng 5 năm nay, cho thấy khoảng 70% trong số 508 phụ huynh học sinh được hỏi đã trả lời rằng việc ban hành các quy định việc trẻ em sử dụng AI sáng tạo ra sao là điều cần thiết.

Trong số những người được hỏi, 49% nói rằng bản thân thấy "tương đối lo lắng", trong khi khoảng 15% "lo lắng" về việc con họ giao tiếp với AI. Khoảng 35% nói rằng thấy lo lắng về khả năng trẻ sẽ “suy giảm tư duy phản biện” và 34% bày tỏ nỗi lo về việc trẻ sẽ “tin vào các thông tin sai lệch”.

Tuy nhiên, tỷ lệ phụ huynh lo lắng khác nhau đáng kể, tùy thuộc vào việc bản thân họ có sử dụng AI sáng tạo như ChatGPT hay không.

Ở nhóm phụ huynh đã sử dụng qua ChatGPT, chỉ 44% cảm thấy lo lắng. Trong khi đó ở nhóm chưa từng dùng ChatGPT, tỷ lệ lo lắng tăng tới  72,9%.

 “AI sáng tạo là công cụ mà người ta có thể dễ dàng sử dụng trên điện thoại thông minh và máy tính. Tôi tin rằng giáo viên và phụ huynh nên sử dụng trực tiếp nó,” Tatsuya Horita, giáo sư công nghệ và thông tin tại Đại học Tohoku nhận xét. “Thay vì lo lắng mơ hồ về điều gì đó mà bản thân chưa biết, họ nên hiểu cơ chế (của AI) và sử dụng nó một cách thích hợp”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục