Nhật Bản và Mỹ nối lại đàm phán song phương về TPP

Các quan chức thương mại Nhật Bản và Mỹ ngày 14/1 đã nối lại các cuộc đàm phán song phương về những vấn đề liên quan đến việc mở cửa thị trường nông sản và ôtô trong khuôn khổ đàm phán TPP.
Nhật Bản và Mỹ nối lại đàm phán song phương về TPP ảnh 1ộ trưởng Nhật Bản phụ trách đàm phán TPP Akira Amari (giữa) trả lời phỏng vấn báo chí tại Bắc Kinh về đàm phán TPP ngày 9/11. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Theo hãng tin Kyodo, các quan chức thương mại Nhật Bản và Mỹ ngày 14/1 đã nối lại các cuộc đàm phán song phương về những vấn đề liên quan đến việc mở cửa thị trường nông sản và ôtô trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Vòng đàm phán lần này diễn ra sau khi các nước tham gia đàm phán TPP không đạt được bước tiến tại hội nghị cấp cao diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tháng 11/2014. Những bất đồng giữa Mỹ và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn nhất trong TPP, là nguyên nhân kéo lùi tiến trình đàm phán chung.

Theo kế hoạch, tại vòng đàm phán, Phó đại diện thường trực thương mại Mỹ Wendy Cutler và Phó trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Hiroshi Oe sẽ thảo luận về mức thuế của Nhật Bản đánh vào thịt lợn và thịt bò, cũng như tác động của các biện pháp bảo hộ đối với việc nhập khẩu hai mặt hàng này sau khi TPP được ký kết.

Ngoài ra, hai bên cũng sẽ thảo luận về những bất đồng liên quan đến hàng rào thuế quan của Mỹ đối với các linh kiện và phụ tùng ôtô nhập khẩu từ Nhật Bản, và việc dỡ bỏ hàng rào phi thuế quan đối với ngành sản xuất ôtô của Nhật Bản. Hiện chưa rõ thời gian hai bên sẽ kết thúc vòng đàm phán lần này.

Trong tuyên bố đưa ra đầu tháng này, Bộ trưởng Kinh tế và Chính sách Tài chính Nhật Bản Akira Amira bày tỏ hy vọng hai nước có thể tiến hành đàm phán cấp bộ trưởng vào đầu mùa Xuân tới để có thể ký kết TPP trước khi nước Mỹ bước vào chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Ông Amira nhấn mạnh việc đạt được thoả thuận song phương giữa Tokyo và Washington là điều kiện tiên quyết cho việc ký kết hiệp định kinh tế tham vọng xuyên Thái Bình Dương.

Ở các vòng đàm phán trước đó, Mỹ liên tục hối thúc Nhật Bản mở rộng cửa thị trường nông sản, trong khi Tokyo muốn duy trì hàng rào thuế quan đối với các mặt hàng nông sản trong nước như lúa gạo, lúa mỳ, thịt bò, thịt lợn, đường, sữa.

Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.

Các nước này đang nỗ lực hướng tới việc ký kết thoả thuận trong thời gian sớm nhất, sau khi đã bỏ lỡ hạn chót đặt ra cuối năm 2013. Việc giải quyết bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Nhật Bản có vai trò quan trọng để thúc đẩy các cuộc đàm phán nói chung.

Theo tính toán, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục