Nhiều cơ sở văn hóa ở Hà Nội bị "xẻ thịt" để kinh doanh

Bên cạnh một số nhà văn hóa, trung tâm thông tin-truyền thông được đầu tư cải tạo và nâng cấp, một số cơ sở được sử dụng không đúng chức năng khiến nhiều người dân bức xúc.
Không gian Nhà văn hóa phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy của Hà Nội đã được cho thuê để trông giữ xe và tập gym. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)
Không gian Nhà văn hóa phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy của Hà Nội đã được cho thuê để trông giữ xe và tập gym. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Trong bối cảnh không gian công cộng ngày càng bị thu hẹp, việc một số nhà văn hóa, trung tâm văn hóa-thông tin và thể thao trên địa bàn Thủ đô được đầu tư, cải tạo nhằm phục vụ tốt hơn đời sống văn hóa tinh thần của người dân là rất cần thiết.

Tuy nhiên, trên thực tế, một số cơ sở văn hóa này được sử dụng không đúng chức năng khiến nhiều người dân bức xúc.

Kinh doanh không phép

Theo Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà văn hóa, khu thể thao thôn không có chức năng kinh doanh và ủy ban Nhân dân phường, xã, thị trấn không được phép cho thuê mặt bằng để kinh doanh.

Quyết định số 6966/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc thành lập trung tâm văn hóa-thông tin và thể thao trực thuộc Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã cũng khẳng định các trung tâm văn hóa-thông tin và thể thao không có chức năng kinh doanh.

Song, không khó để tìm thấy tại Hà Nội các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa-thông tin và thể thao bị "xẻ thịt" diện tích mặt bằng để cho các tổ chức, cá nhân thuê kinh doanh ăn uống, mở phòng tập, phòng game và trông giữ xe ôtô...

Điển hình tại quận Cầu Giấy, Nhà văn hóa phường Mai Dịch mặc dù nằm đối diện với Ủy ban Nhân dân phường nhưng trước đây đã nhiều năm sử dụng sai mục đích khiến người dân mất đi diện tích vui chơi, sinh hoạt.

Hiện nay, trong khuôn viên Nhà văn hóa này đang tồn tại một căng tin phục vụ sinh hoạt của người dân.

Trước đó một thời gian ngắn, căng tin này vốn là một nhà hàng mang tên Phở An được thay với quy mô 2 tầng kiên cố, rộng hàng chục mét vuông và sử dụng cả không gian của nhà văn hóa làm bãi đỗ xe.

Theo phản ánh của người dân sinh sống trong khu vực, nhà hàng Phở An đã hoạt động trên diện tích đất của Nhà văn hóa phường Mai Dịch trong nhiều năm kèm theo các tấm biển quảng cáo như bia hơi, cơm văn phòng, bar, cafe và các món nhậu...

Nhà hàng này hoạt động một cách rầm rộ, chiếm dụng khuôn viên nhà văn hóa, làm thu hẹp diện tích công cộng.

Chỉ đến khi báo chí vào cuộc phản ánh, Ủy ban Nhân dân phường Mai Dịch mới chấm dứt hợp đồng với nhà hàng Phở An, thay bảng hiệu của nhà hàng thành căng tin Nhà văn hóa để phục vụ người dân và tạo thêm thu nhập, trả phụ cấp cho cán bộ, nhân viên làm việc tại cơ sở này.

[Xây dựng chiến lược phát triển không gian sáng tạo ở Hà Nội]

Tương tự, khuôn viên Nhà văn hóa Quan Hoa (quận Cầu Giấy) cũng bị sử dụng làm bãi trông xe, còn diện tích tầng 2 được cho thuê để mở phòng tập gym.

Nhà văn hóa phường Kim Giang (quận Thanh Xuân), một phần diện tích sân được sử dụng cho mục đích trông xe.

Hay tại phường Đại Kim (quận Hoàng Mai), sân Nhà văn hóa số 1 Đại Từ không chỉ biến thành bãi trông giữ xe, mà một quán trà đá cũng mọc lên ngay trên diện tích được quy định là không gian công cộng cho người dân sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao.

Không chỉ sử dụng sai chức năng, hai Nhà văn hóa ở thôn Đình (xã Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) lại thường xuyên trong tình trạng bị khóa cổng, người dân muốn vào nhà văn hóa sinh hoạt cũng gặp nhiều khó khăn.

"Nhà văn hóa đóng cửa suốt ngày, có ai vào đâu. Vào trong đấy cũng phải có hoạt động gì để người dân sinh hoạt chứ không vào làm gì," một người dân sống tại thôn Đình bức xúc.

Sử dụng sai mục đích

Theo ghi nhận của phóng viên, cũng trong tình trạng như nhiều nhà văn hóa, trên địa bàn Hà Nội đang tồn tại một số trung tâm văn hóa-thông tin và thể thao không được sử dụng đúng mục đích.

Gần đây nhất, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã phải ra văn bản yêu cầu quận Hoàn Kiếm chấm dứt việc liên doanh, liên kết để sử dụng diện tích nhà đất tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm (số 2 phố Lê Thái Tổ); đồng thời thu hồi để quản lý theo quy định của pháp luật.

Theo phản ánh của người dân, đặc biệt là theo văn bản của Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm được phê duyệt xây dựng là công trình công cộng với mục đích giới thiệu thông tin văn hóa Hồ Gươm, trưng bày, triển lãm và phòng làm việc.

Tuy nhiên, thời gian qua, Trung tâm này được cho thuê làm văn phòng giao dịch vé máy bay và quán cà hê, sử dụng sai so với mục đích phê duyệt ban đầu.

Cũng theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, quận Hoàn Kiếm phải nộp toàn bộ số tiền thu được từ việc liên doanh, liên kết không đúng quy định (nếu có) vào ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, quận Hoàn Kiếm cần hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đất đai theo quy định để giao cơ sở nhà, đất trên cho đơn vị sự nghiệp công lập là Ban Quản lý khu vực Hồ Hoàn Kiếm quản lý và sử dụng.

Sau khi hoàn thiện các hồ sơ về đất đai nêu trên, việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết đối với cơ sở nhà đất tại số 2 Lê Thái Tổ phải được lập thành đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định.

Nhiều cơ sở văn hóa ở Hà Nội bị "xẻ thịt" để kinh doanh ảnh 1Trung tâm văn hóa thể thao phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy của Hà Nội mở quầy căng tin. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Trong thời gian chưa hoàn thiện xong các hồ sơ pháp lý có liên quan để giao cơ sở nhà, đất cho Ban quản lý khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Ủy ban Nhân dân quận không được sử dụng cơ sở nhà, đất này vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Từ Trung tâm văn hóa thành quán bia

Một biến tướng điển hình cho việc sử dụng sai mục đích các cơ sở văn hóa, thể thao công cộng là Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội, số 7 Phùng Hưng, quận Hà Đông. Từ công năng phục vụ nhu cầu giải trí của người dân, hàng ngàn mét vuông của cơ sở này đã trở thành một quán bia.

Không chỉ làm mất đi một địa điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân, "quán bia cơ sở văn hóa" này còn gây bức xúc cho người dân lân cận vì sự ồn ã, náo nhiệt suốt từ sớm đến tối. Tình trạng quán bán hàng quá giờ quy định, khách say xỉn, gây mất trật tự diễn ra thường xuyên.

"Hà Nội hiện rất thiếu các trung tâm để sinh hoạt văn hóa cộng đồng, chúng tôi nghĩ mình may mắn vì sinh sống gần Trung tâm văn hóa thành phố. Nhưng từ ngày Trung tâm cho quán bia Hải Xồm thuê khuôn viên, chúng tôi rất bức xúc vì không còn nơi sinh hoạt," một người dân sống bức xúc cho biết.

Lý giải về việc sử dụng sai mục đích này, đại diện các cơ quan chủ quản than thở phải làm như vậy để đem lại nguồn thu cho cơ quan, còn hơn là bỏ không, không có lợi ích gì.

Đề cập đến tồn tại này, theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, đã nhiều lần Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội xin ý kiến về việc cho thuê đất nhưng Sở không đồng ý.

Tuy nhiên, Trung tâm này vẫn tự ý cho thuê không đúng quy định, gây phản cảm. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Trung tâm Văn hóa Hà Nội chấm dứt hoạt động cho thuê mặt bằng kinh doanh bia hơi tại số 7 Phùng Hưng, báo cáo giải trình về Sở.

Ở các quận Bắc Từ Liêm, Long Biên cũng như huyện Hoài Đức, nhiều mặt bằng của Trung tâm văn hóa-thông tin và thể thao được trưng dụng cho việc trông giữ xe, cho thuê để mở lớp dạy võ thuật, yoga, khiêu vũ thể thao, múa...

Bên cạnh đó, một phần diện tích của trung tâm còn được sử dụng để xây dựng một quán cà phê đọc sách và những mô hình này đang đem lại nhiều nguồn thu trực tiếp cho trung tâm.

Việc các cơ sở văn hóa bị biến thành nơi kinh doanh khiến nhiều người đặt ra nhiều câu hỏi, nguồn thu nhập từ việc cho thuê mặt bằng, trông giữ xe hay buôn bán đồ ăn, thức uống sẽ được sử dụng vào mục đích gì? Một số ý kiến cho rằng, việc kinh doanh tại các Nhà văn hóa và Trung tâm văn hóa-thông tin và thể thao là cần thiết để duy trì kinh phí hoạt động của những cơ sở này.

Song, Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quy định rõ, kinh phí hoạt động của Nhà văn hóa chỉ bao gồm hỗ trợ của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, nhân dân tự nguyện đóng góp và huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp.

Quan trọng hơn, việc các Nhà văn hóa và Trung tâm văn hóa-thông tin và thể thao bị "biến tướng" để kinh doanh đang khiến người dân mất đi không gian sinh hoạt văn hóa-thể thao trong hoàn cảnh Hà Nội ngày càng thiếu các không gian công cộng.

Nếu các cơ quan chức năng không sớm đưa ra những biện pháp giải quyết hợp lý và kịp thời, nhiều người dân Thủ đô sẽ không còn được tận hưởng những không gian công cộng đúng nghĩa như mong muốn, khi các cấp chính quyền xây dựng các Nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa-thông tin và thể thao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục