Nhìn lại chuyện bảo tồn di sản: Yêu cầu cấp thiết về siết chặt quản lý

Việc quản lý thiếu chặt chẽ dẫn đến những vi phạm nghiêm trọng trong bảo tồn di sản và nhiều câu chuyện đáng buồn trong việc ứng xử tại các khu di tích, địa điểm công cộng…
Múa Chầu trong diễn xướng Then của người Tày ở huyện Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. (Nguồn: Vietnam+)
Múa Chầu trong diễn xướng Then của người Tày ở huyện Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. (Nguồn: Vietnam+)

Trong năm 2019, công tác quảng bá di sản văn hóa Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Bên cạnh đó, việc quản lý thiếu chặt chẽ vẫn diễn ra, dẫn đến những vi phạm nghiêm trọng trong bảo tồn di sản và nhiều câu chuyện đáng buồn trong việc ứng xử tại các khu di tích, địa điểm công cộng…

Di sản văn hóa phi vật thể thứ 13 được UNESCO ghi danh

Vào ngày 13/12 (theo giờ Việt Nam), trong khuôn khổ Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 13 của Việt Nam được UNESCO ghi danh.

Theo giáo sư-tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh (Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam), trong quan niệm dân gian, “Then” có nghĩa là “Trời.” Đó vừa là một nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái vừa là một loại hình diễn xướng dân gian, tích hợp nhiều bộ môn nghệ thuật (văn học, âm nhạc, múa…).

[Then trong đời sống đương đại: Bước khỏi không gian ‘thiêng’]

Thông qua những quan niệm về Mường Trời (nơi cư ngụ của các thần linh), Mường Đất (nơi cư ngụ của con người), người Tày, Nùng, Thái giải thích về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, vũ trụ cũng như bày tỏ ước vọng về cuộc sống no ấm, mạnh khỏe, mùa màng tốt tươi… Bởi vậy, thực hành Then thường diễn ra ở những sự kiện quan trọng như lễ cầu an, cầu mùa, mừng nhà mới…

Thầy Then được coi là cầu nối, người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh. Nhạc cụ chính sử dụng trong hát Then là đàn tính.

“Việc UNESCO ghi danh Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau,” Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thu Hiền nhấn mạnh.

Nhìn lại chuyện bảo tồn di sản: Yêu cầu cấp thiết về siết chặt quản lý ảnh 1Nhạc cụ, trang phục và các vật dụng trong trình diễn hát Then của nghệ nhân người Tày Lưu Đình Bạo, xã Dương Quang, , tỉnh Bắc Kạn. (Nguồn: Vietnam+)

Bài học nhìn từ Hà Giang

Trong năm 2019, Hà Giang là địa phương tập trung nhiều vi phạm trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa: tòa nhà Panorama xây dựng trái phép tại danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng, dự án du lịch sinh thái văn hóa tâm linh xây dựng không đúng quy hoạch tại khu vực cảnh quan di tích quốc gia cột cờ Lũng Cú…

Những vi phạm này đã gây bức xúc trong dư luận. Cụ thể, theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama không có giấy chứng nhận đầu tư, không có giấy chuyển đổi mục đích đất trồng cây sang đất thổ cư, không có giấy phép xây dựng. Ngoài ra, công trình này được xây dựng và hoạt động khi chưa có sự thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Luật Di sản văn hóa.

Bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết xét về tổng thể thẩm mỹ, hình thức công trình Panorama không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong khu vực. Công trình này gây cản trở đến tầm nhìn của du khách tham quan, ảnh hưởng đến môi trường khi đi vào hoạt động mà chưa có đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhìn lại chuyện bảo tồn di sản: Yêu cầu cấp thiết về siết chặt quản lý ảnh 2Công trình Panorama Mã Pì Lèng khiến dư luận dậy sóng. (Ảnh: Nguyễn Chiến/TTXVN)

Liên quan đến Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ rõ, dự án này mặc dù nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ của Di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú nhưng nằm trong khu vực cảnh quan chung của di tích.

Bên cạnh đó, vị trí xây dựng của dự án nằm trong lòng Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030.

Cụ thể, về phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo, quy hoạch đã xác định rõ: phát triển trên cơ sở khai thác giá trị di sản địa chất và Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (với du lịch địa chất); phát triển trên cơ sở khai thác giá trị di sản văn hóa dân tộc (với du lịch cộng đồng); phát triển trên cơ sở khai thác các đặc trưng đa dạng sinh học và trải nghiệm thiên nhiên (với du lịch thiên nhiên).

“Như vậy, Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú không thuộc các loại hình đã được xác định tại quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt,” Công văn số 4470/BVHTTDL-DSVH (ngày 6/11/2019) gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy ký nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trên thực tế, dự án đã được triển khai thực hiện từ năm 2016. Tuy nhiên, đến tháng 3/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang mới có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xin ý kiến đối với dự án này.

Trong khi đó, Khoản 1 (Điều 36, Luật Di sản Văn hóa) quy định: “Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường-sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch.”

Từ thực tế đó, giáo sư-tiến sỹ khoa học Lưu Trần Tiêu (Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia) cho rằng các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, siết chặt khâu thẩm định, cấp phép và giám sát việc triển khai các dự án tại những khu di sản, di tích, từ đó tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng.”

Ứng xử với di sản: Lệch lạc trong nhận thức

Cũng trong thời gian qua, những vụ việc, hành động phản cảm (chụp ảnh khỏa thân, quay clip bán nude… tại các di tích, danh thắng đã được xếp hạng) đặt ra vấn đề về sự “lệch lạc” trong nhận thức, hành động, cách ứng xử với di sản cũng như “khoảng trống” trong việc xây dựng, tuyên truyền quy tắc ứng xử tại các địa điểm công cộng, chế tài nghiêm khắc đối với những vụ việc vi phạm.

Vào đầu tháng Mười, khi câu chuyện về tòa nhà Panorama xây dựng trái phép trên đèo Mã Pì Lèng khiến dư luận bức xúc thì hành động phản cảm (không mặc quần áo, lái xe môtô đến địa điểm được xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia này) của bốn người đàn ông khiến cộng đồng mạng tiếp tục “dậy sóng.”

Khoảng một tháng trước đó, tài khoản T.M.H đăng tải trên trang Facebook cá nhân một đoạn clip ghi lại hình ảnh bán nude (nhân vật cầm nón lá che vòng một, tạo dáng phản cảm) tại một nóc nhà ở khu di sản văn hóa thế giới Hội An (Quảng Nam). Kèm theo clip trên là dòng trạng thái: “Khoảng trời này là của riêng em.”

Nhìn lại chuyện bảo tồn di sản: Yêu cầu cấp thiết về siết chặt quản lý ảnh 3Hội An đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Ngoài ra, vào tháng Tư, việc một cặp đôi đưa bộ ảnh nude chụp tại danh thắng quốc gia hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) cũng nhận nhiều chỉ trích của công chúng; trong đó, có ý kiến cho rằng, đó là bộ ảnh “bôi bẩn Đà Lạt.”

Trước “làn sóng” phản đối của dư luận, cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh, làm rõ thông tin. Dẫu vậy, hình thức xử lý được đưa ra đối với hành động trên chỉ là… nhắc nhở!

Ông Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm) cho biết hiện nay, chưa có quy định chi tiết việc cấm chụp ảnh nude tại địa điểm công cộng, danh lam thắng cảnh. Việc chụp những bộ ảnh như đã đề cập ở trên thuộc về nhận thức, ý thức.

“Để tránh những trường hợp tương tự tái diễn, tác động tiêu cực đến nhận thức của công chúng và gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh Việt Nam trong mắt du khách quốc tế, các cơ quan chức năng cần xây dựng những bộ tiêu chí cụ thể quy định rõ trang phục, những việc được làm, việc không được làm… tại các di tích, danh lam thắng cảnh, địa điểm công cộng. Đi kèm với đó là chế tài xử phạt nghiêm khắc với trường hợp vi phạm,” tiến sỹ Nguyễn Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) đề nghị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục