Những bước tiến mới trong việc bảo tồn và phát triển ca trù

Liên hoan ca trù toàn quốc 2014 (diễn ra từ ngày 26-29/8) đã cho thấy những bước tiến mới trong việc phục hưng, bảo tồn và phát triển nghệ thuật ca trù trong đời sống cộng đồng.
Những bước tiến mới trong việc bảo tồn và phát triển ca trù ảnh 1Một tiết mục tại Liên hoan ca trù toàn quốc 2014 (Ảnh: TTXVN)

Với sự tham dự của các nghệ sỹ thuộc cả ba thế hệ (cao niên, trung niên và thiếu niên), nhiều tiết mục ca trù cổ lần đầu tiên được phục dựng và trình diễn trên sân khấu bên cạnh không ít những tiết mục mới mang “hơi thở” đương đại (đặt lời mới dựa theo làn điệu ca trù cổ), Liên hoan ca trù toàn quốc 2014 đươc coi là một kỳ liên hoan thành công. Những kết quả này thể hiện bước tiến mới trong việc phục hưng, bảo tồn và phát triển ca trù trong đời sống cộng đồng.

Đó là nhận định của hội đồng nghệ thuật Liên hoan ca trù toàn quốc 2014 tại chương trình tổng kết và trao giải diễn ra tối qua (29/8) tại Viện Âm nhạc-Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (CC2-Khu đô thị mới Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

“Làn gió” mới

Theo tiến sỹ Nguyễn Bình Định - Viện trưởng Viện Âm nhạc, liên hoan với sự tham dự đông đảo của đội ngũ ca nương, kép đàn trẻ (58% số lượng nghệ sỹ tham dự liên hoan dưới 30 tuổi) là một tín hiệu đáng mừng. Trên sân khấu, các nghệ sỹ từ 4-87 tuổi cùng hòa vào nhịp phách, tiếng đàn.

“Điều đó cho thấy, thế hệ trẻ không hề quay lưng với ca trù. Ngược lại, họ bày tỏ sự yêu thích, quan tâm thưởng thức cũng như chuyên cần rèn luyện, trình diễn loại hình nghệ thuật vốn kén cả người biểu diễn và người thưởng thức này,” tiến sỹ Nguyễn Bình Định chia sẻ.

Cũng theo vị chuyên gia này, đây là điều kiện quan trọng để bảo tồn, phát huy giá trị di sản ca trù và đưa loại hình nghệ thuật này trở lại đời sống cộng đồng trong bối cảnh số lượng nghệ nhân lão thành ngày một thưa bóng.

Bên cạnh đó, một điểm mới đáng chú ý khác của liên hoan lần này là sự mở rộng nội dung-đề tài tiết mục trình diễn của các đơn vị tham gia. Bên cạnh các tác phẩm ca trù kinh điển, những nội dung thường gặp trong lời hát của ca trù cổ truyền (nhân tình thế thái, tình duyên, đạo lý…), không ít câu lạc bộ đã xây dựng các tiết mục mới với nội dung phản ánh đời sống đương đại (đặt lời mới dựa theo làn điệu ca trù cổ).

Đó là những tiết mục với chủ đề biển đảo, ca ngợi những chiến sỹ hải quân ngày đêm bảo vệ Tổ quốc, lên án việc đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

“Với một bộ môn nghệ thuật truyền thống ít có sự biến động như ca trù, đây là một bước đột phá. Điều này góp phần quan trọng đưa di sản này đến gần hơn với công chúng đương đại. Để ca trù được ‘sống,’ bên cạnh việc bảo tồn, phát huy giá trị cổ, chúng ta có trách nhiệm phải phát triển nó, để nó bắt nhịp được với đời sống hiện đại của cộng đồng,” tiến sỹ Nguyễn Bình Định đánh giá.

Những bước tiến mới trong việc bảo tồn và phát triển ca trù ảnh 2Liên hoan tập trung giới thiệu đội ngũ nghệ sỹ kế cận của ca trù (Ảnh: TTXVN)

Chất lượng nâng cao

Cùng với việc tập trung giới thiệu đội ngũ nghệ sỹ kế cận của ca trù, liên hoan cũng cho thấy những bước tiến mới về trình độ biểu diễn của các ca nương, kép đàn.

Theo đánh giá của hội đồng nghệ thuật, các giáo phường, câu lạc bộ tham gia liên hoan đã thể hiện được đầy đủ bốn không gian trình diễn (hát cửa quyền, hát cửa đình, hát thi, hát chơi) và 15 thể cách kinh điển của ca trù.

“Đặc biệt, có những tiết mục trù cổ lần đầu tiên được phục dựng và trình diễn trên sân khấu như ‘Non mai hồng hạnh’ (Câu lạc bộ ca trù UNESCO Hà Nội),” Viện trưởng Viện Âm nhạc cho hay.

Cùng với đó, nhiều thể cách, làn điệu ca trù yêu cầu kỹ thuật cao (như “Thét nhạc,” “Tỳ bà hành”…) đã được nhiều câu lạc bộ thể hiện. Nhiều người có khả năng trình bày được nhiều thể cách lưu loát; các ca nương chú ý thể hiện những sắc thái cảm xúc vui buồn, suy tư, dằn vặt, giận hờn cho đến giận dữ khi trình diễn…

“Qua liên hoan, chúng ta thấy rõ ba xu hướng hoạt động ngoài biểu diễn của các câu lạc bộ: trao, truyền kỹ thuật biểu diễn cho lớp người trẻ; quan tâm đến việc khai thác, phục dựng vốn cổ; tìm cách phóng tác nhằm mục đích làm phong phú thêm kho tàng ca trù,” phó giáo sư-tiến sỹ Vũ Nhật Thăng, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Liên hoan ca trù toàn quốc 2014 phân tích.

Theo ông Thăng, đây là những việc làm có ý nghĩa thiết thực, thể hiện nỗ lực to lớn của các giáo phường, câu lạc bộ trong việc truyền dạy, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa của dân tộc.

“Liên hoan là đợt kiểm kê di sản ca trù, là dịp để chúng ta cùng nhìn lại quá trình phục hưng, bảo tồn và phát triển ca trù. Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tôi cho rằng, ca trù đã đủ điều kiện ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp để trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại,” Viện trưởng Viện Âm nhạc Nguyễn Bình Định khẳng định.

Trong chương trình tổng kết diễn ra tối qua, ban tổ chức đã trao giải thưởng cho các tiết mục và cá nhân xuất sắc.

Giải cho các tiết mục: 5 giải vàng vàng, 6 giải bạc, 12 đồng, 4 khuyến khích. Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng trao một giải múa đẹp, một giải tiết mục phục hồi vốn cổ  nhằm khuyến khích, động viên các câu lạc bộ.

Giải cho cá nhân: 9 giải đào nương xuất sắc, 8 giải kép đàn xuất sắc, 2 giải đào nương triển vọng, 1 giải kép đàn triển vọng, 2 giải thành viên tham gia liên hoan trẻ tuổi nhất, 1 giải sáng tác lời mới cho ca trù./.

Liên hoan ca trù toàn quốc 2014 diễn ra từ ngày 26-29/8 tại Viện Âm nhạc-Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Liên hoan có sự tham dự của gần 300 nghệ sỹ đến từ 26 đơn vị, câu lạc bộ ca trù của 12 tỉnh, thành phố có loại hình nghệ thuật này trong cả nước.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục