Những tác động trái chiều với thế giới khi giá dầu xuống thấp

Giá dầu thấp nhiều khả năng sẽ tiếp tục gây thiệt hại cho các công ty năng lượng và những nền kinh tế đang trỗi dậy vốn lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu thô.
Những tác động trái chiều với thế giới khi giá dầu xuống thấp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Giới chuyên gia và các nhà đầu tư cho rằng giá dầu thấp nhiều khả năng sẽ tiếp tục gây thiệt hại cho các công ty năng lượng và những nền kinh tế đang trỗi dậy vốn lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu thô.

Dù có sự phục hồi nhẹ trong một vài ngày gần đây, nhưng giá dầu vẫn ở mức dưới ngưỡng 40 USD/thùng, thấp hơn rất nhiều so với mức 110 USD/thùng cách đây 18 tháng.

Chuyên gia kinh tế Mỹ C. Fred Bergsten nhận định giá cả sụt giảm là tin xấu đối với các nước khai thác dầu thô. Chẳng hạn như Saudi Arabia - nhà sản xuất và xuất khẩu lớn nhất Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đang bị thâm hụt ngân sách và buộc phải tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế của mình.

Trong khi đó, Venezuela phải đối phó với tình trạng lạm phát cao, nền kinh tế đình trệ, còn quốc gia giàu dầu mỏ Azerbaijan buộc phải phá giá đồng nội tệ, giảm hơn 30% so với đồng USD.

Tuy nhiên, giá “vàng đen” xuống thấp lại làm lợi cho những nước nhập khẩu dầu và người tiêu dùng. Trung bình giá xăng ở Mỹ hiện giảm xuống dưới mức 53 cent/lít. Trước đây, người dân từng phải trả 50 USD để đổ đầy bình xăng nhưng nay họ chỉ cần trả khoảng với 37 USD. Điều này có nghĩa là nền kinh tế Mỹ năm nay được thêm khoản tiền 115 tỷ USD; hay mỗi người lái xe tại quốc gia này tiết kiệm được 555 USD/năm.

Một số ý kiến cho rằng hầu hết nguyên liệu thô được định giá bằng đồng USD, nên giá cả sụt giảm là do tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, nhà phân tích Peter Cardillo thuộc công ty First Standard Financial (Mỹ) đánh giá nhu cầu suy yếu và nguồn cung dồi dào là những yếu tố lớn hơn tác động tới giá dầu thô.

Giới chuyên gia nhận định giá dầu sẽ không sớm tăng lên trong thời gian tới. Trong khi đó, dự báo mới từ cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy giá “vàng đen” sẽ tiếp tục giảm sâu xuống thấp tới mức 20 USD/thùng trong năm 2016.

Mới đây, OPEC dự báo giá dầu toàn cầu sẽ tăng lên mức 70 USD/thùng vào năm 2020 và 95 USD/thùng năm 2040. Tổ chức này cho rằng tình trạng dôi dư dầu mỏ hiện nay sẽ tan biến khi nhu cầu gia tăng.

Tuy nhiên, chiến lược gia về thị trường của công ty Anh Argus Media, John Demopoulos, nhận định dự báo của OPEC chẳng khác nào dự báo thời tiết trong bốn năm tới, đồng thời khẳng định không thấy có dấu hiệu nào trước mắt cho thấy giá dầu sẽ tăng đáng kể trong năm 2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục