Nỗ lực đưa cá sấu quý hiếm ở Cuba thoát khỏi bờ vực tuyệt chủng

Hoạt động săn bắt bất hợp pháp và lai tạo với các giống cá sấu châu Mỹ diễn ra trong nhiều thập kỷ qua đã khiến số lượng cá sấu Cuba ở đảo Thanh Niên suy giảm mạnh.
Nỗ lực đưa cá sấu quý hiếm ở Cuba thoát khỏi bờ vực tuyệt chủng ảnh 1Thả cá sấu non về với tự nhiên. (Nguồn: Reuters)

Nhúng nửa thân mình trong làn nước đen kịt ở đầm lầy Zapata, nhà nghiên cứu Etiam Perez thận trọng thả một chú cá sấu Cuba non về với tự nhiên.

Với nhà nghiên cứu này, đây là một chiến thắng nhỏ trong một trận chiến lớn vì anh đã giải cứu một chú cá sấu từ những người buôn lậu động vật hoang dã, góp phần nhỏ bảo tồn loài cá sấu Cuba quý hiếm.

Đây là loài cá sấu độc nhất vô nhị, chỉ sinh sống ở đảo Thanh Niên của Cuba nhưng lại đang bị đe dọa nghiêm trọng vì môi sinh tự nhiên dành cho loài này còn quá ít, thấp nhất trong nhóm những loài cá sấu còn lại hiện nay.

Nhà nghiên cứu Perez chia sẻ anh và các đồng nghiệp đang nỗ lực để kéo loài này ra khỏi bờ vực tuyệt chủng.

[Ngỡ ngàng trước kích thước khổng lồ của các loài động vật]

Hoạt động săn bắt bất hợp pháp và lai tạo với các giống cá sấu châu Mỹ diễn ra trong nhiều thập kỷ qua đã khiến số lượng cá sấu Cuba ở đảo Thanh Niên suy giảm mạnh.

Bên cạnh đó, tình trạng ấm lên toàn cầu, có thể ảnh hưởng tới tỷ lệ giới của cá sấu con, cũng gây ra mối đe dọa mới.

Dù đầm lầy này là một trong những môi trường tự nhiên được bảo tồn tốt nhất ở Caribe, với những chính sách bảo vệ nghiêm ngặt của Chính phủ Cuba, nhưng các nhà khoa học vẫn lo ngại cho sự tồn vong của loài cá sấu này.

Gustavo Sosa, chuyên gia nghiên cứu kỳ cựu tại đầm Zapata cho biết nếu so sánh với các loài cá sấu khác trên thế giới, cá sấu tại đây đang có môi sinh nhỏ nhất.

Ước tính có khoảng 4.000 cá sấu Cuba đang sống trong môi trường tự nhiên nhưng vì diện tích sinh sống yêu thích ở đầm lầy của loài này hiện còn rất nhỏ, các thảm họa khí hậu ngày càng tăng trên toàn cầu nên phần lớn số cá sấu trên có thể sẽ biến mất.

Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã đưa loài cá sấu Cuba vào diện bị đe dọa nghiêm trọng từ năm 2008.

Dù cho rằng cần phải đánh giá và kiểm đếm lại số lượng cá sấu Cuba còn lại trong môi trường tự nhiên nhưng IUCN vẫn giữ nguyên quan điểm lo ngại về những mối đe dọa lâu dài do môi sinh tự nhiên của loài này ngày càng hạn hẹp.

Chính phủ Cuba đã lưu tâm tới những quan ngại trên từ nhiều thập kỷ qua nên đã triển khai chương trình bảo tồn và ấp trứng, để mỗi năm đưa hàng trăm cá sâu non ra môi trường tự nhiên.

Cá sấu khi trưởng thành thể đạt tới chiều dài thân 5m. Các nhà hoạt động cũng giải cứu nhiều cá sấu từ các nhóm buôn lậu.

Chuyên gia Perez cho biết chương trình ấp trứng nhằm tăng số lượng cá sấu Cuba và sẽ giúp tăng số lượng loài này trong tự nhiên.

Chính phủ Cuba quản lý nghiêm ngặt hoạt động bán thịt cá sấu, chỉ những cá sấu lai hoặc có vấn đề thể chất mới được bán tại các nhà hàng.

Dù Cuba còn nhiều khó khăn về kinh tế, thiếu thốn cơ sở vật chất nhưng mọi khó khăn dường như lùi xa khi đến Zapata chứng kiến những chú cá sấu non bung ra từ những quả trứng, ngấu nghiến thức ăn được người chăm nuôi đưa đến và khám phá thế giới mới như những thành quả ngọt ngào của các nỗ lực bảo tồn loài cá sấu quý hiếm này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục