Nữ thanh niên bỏ phố về quê, biến ruộng hoang thành vườn dược liệu

Bùi Thị Duyên đã mạnh dạn từ bỏ những công việc thu nhập cao nơi thành thị để trở về làm giàu trên chính quê hương mình, đặc biệt là khởi nghiệp với nghề tay trái - làm nông dân.
Nữ thanh niên bỏ phố về quê, biến ruộng hoang thành vườn dược liệu ảnh 1Chị Bùi Thị Duyên thu hoạch cây dược liệu. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Cách đây 2 năm, ít ai nghĩ cô gái có vóc dáng nhỏ bé Bùi Thị Duyên (sinh năm 1988, thôn 2 An Định, xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) lại có thể biến cánh đồng hoang, cỏ mọc quá đầu người thành cánh đồng dược liệu có giá trị kinh tế như bây giờ.

Chị đã mạnh dạn từ bỏ những công việc thu nhập cao nơi thành thị để trở về làm giàu trên chính quê hương mình, đặc biệt là khởi nghiệp với nghề tay trái - làm nông dân.

Hai lần học làm nông dân

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), chị Bùi Thị Duyên làm cho một công ty dạy tiếng Anh trực tuyến, đúng chuyên ngành được học.

Năm 2014, chị rẽ sang hướng khác với công việc mảng nhà hàng-khách sạn tại Singapore. Với cô gái trẻ mới ra trường, mức lương và cuộc sống tại Đảo quốc Sư tử là niềm mơ ước của nhiều thanh niên, nhưng chính thời gian làm việc tại đất nước này đã mở ra cho chị Duyên một ý tưởng khởi nghiệp.

Chị chia sẻ thực tế tại Singapore cho thấy nông sản Việt Nam không thua kém gì các nước bạn nhưng lại không có chỗ đứng hoặc chưa tiếp cận được thị trường tiềm năng này. Từ đó, chị ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp từ nông sản, nhưng cụ thể đường hướng ra sao đối với chị vẫn còn nhiều mơ hồ.

Sau một năm làm việc tại Singapore, năm 2015, chị Duyên về nước và bắt đầu học làm nông dân với nghề trồng nấm, nhằm tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp dư thừa.

Là nghề tay trái lại chưa có kinh nghiệm nên không lâu sau chị Duyên đã thất bại. Chị chia sẻ cũng giống như những thanh niên trẻ khác khi khởi nghiệp thất bại, chị cảm thấy hoang mang, chán nản, nhất là khi bản thân lại bắt đầu từ nghề mình chưa được học qua trường lớp, khởi nghiệp hoàn toàn từ những kiến thức tự học.

Sau thất bại đầu tiên, cuối năm 2015, chị Duyên quyết định “nam tiến” vào Thành phố Hồ Chí Minh mở spa làm đẹp, trong đó các sản phẩm về dầu gội đầu hữu cơ là thế mạnh.

Gia đình, bạn bè, ai cũng nghĩ sau lần học làm nông dân đổ bể đó, ý tưởng về nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ của chị cũng sẽ khép lại. Nhưng trái ngược hoàn toàn, cô gái 27 tuổi đầy quyết tâm, nhiệt huyết vẫn không ngừng hy vọng, tự học và tích lũy kinh nghiệm.

Năm 2017, khi cuộc sống và công việc kinh doanh của chị tại Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu ổn định, chị Bùi Thị Duyên lại quyết định “bỏ phố về quê” trong sự ngỡ ngàng của người thân. Nhiều người khuyên can nhưng chị vẫn quyết tâm về nơi mình sinh ra và lớn lên để học làm nông dân lần thứ hai.

Biến ruộng hoang thành vườn nông dược

Trong lần khởi nghiệp thứ hai, chị bắt đầu với dược liệu và làm bài bản hơn từ xây dựng dự án đến triển khai thực hiện. Sau khi thực hiện thí điểm thành công tại vườn nhà và một số hộ trong thôn, năm 2019, chị Duyên mạnh dạn mở rộng diện tích.

Chị tâm sự mảnh đất chị thuê người dân địa phương thường gọi là đất Gồ Trại, bởi đất bị bỏ hoang nhiều năm, là chỗ cho chuột trú ẩn và phá lúa của dân. Dù Gồ Trại được xã cho mượn, không tính phí thuê trong 3 năm, nhưng cũng không ai muốn làm vì canh tác khó, không hiệu quả.

Như đã quen với thử thách, cô gái trẻ Bùi Thị Duyên lại đứng ra làm một việc không ai làm là nhận lại mảnh đất này để thực hiện ý tưởng khởi nghiệp của mình dù không ít người hoài nghi về khả năng thành công.

[Đoàn thanh niên: Hành trình 90 năm xung kích của rường cột quốc gia]

Chị đặt tên cho dự án của mình là “Gota farm” hay “Got-a-farm” phát triển theo hướng mô hình nông nghiệp bền vững, cung ứng, chế biến, thương mại cây gia vị, dược liệu, gắn liền với việc hỗ trợ người dân địa phương phát triển sinh kế từ chính ruộng vườn của mình.

Chị Duyên chia sẻ ban đầu chị chỉ có ý định trồng một số loại dược liệu hữu cơ, làm sản phẩm lá khô tắm cho con và các thành viên trong gia đình dùng, nhưng sau khi đăng tải trên mạng, nhiều người ủng hộ nên chị quyết định phát triển rộng mô hình dược liệu hữu cơ.

Hơn nữa, ở “Got-a-farm” không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt cỏ, trừ sâu, không dùng phân bón hóa học mà thay vào đó làm cỏ bằng phương pháp thủ công, sử dụng phân chuồng ủ hoai hoặc ủ cỏ, rơm rạ với men vi sinh, tạo ra chất mùn hữu cơ cho đất, do đó chi phí sản xuất gần như tiệm cận 0 đồng.

Là người đồng hành cùng chị Bùi Thị Duyên từ những ngày đầu, chị Vũ Thị Vân (xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy) cho biết đất Gồ Trại khi mới nhận canh tác, cỏ mọc quá đầu người. Nếu chỉ nhìn thôi, ai cũng ái ngại, nhưng khi có ý tưởng và bắt tay vào làm, dần dần mảnh đất dược liệu cũng nên hình hài.

Hiện tại, “Got-a-farm” đang trồng nhiều loại dược liệu và sản xuất những sản phẩm như tinh dầu bạc hà, những sản phẩm lá thơm, xông tắm có tác dụng tốt cho sức khỏe.

Sau hơn 2 năm khởi nghiệp, đến nay “Got-a-farm” đã thu hút 5 vườn thành viên, mở rộng tại 4 huyện Thái Thụy, Đông Hưng, Kiến Xương và Quỳnh Phụ, tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương.

Chị Bùi Thị Duyên cho biết dù quy mô không lớn nhưng chị và các cộng sự luôn hướng đến mô hình sản xuất hữu cơ, sản xuất sạch cho nông dân. Trước mắt, cách làm này sẽ áp dụng với cây dược liệu, cây ngắn ngày và tương lai xa hơn là thực hành trên cây lúa - cây chủ lực trong nông nghiệp của tỉnh Thái Bình.

Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Thái Bình Đinh Thị Hoàn đánh giá mô hình khởi nghiệp của thanh niên trẻ Bùi Thị Duyên có giá trị về tiềm năng phát triển kinh tế, góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là cách làm hay, sáng tạo, là điểm sáng trong phong trào thanh niên lập nghiệp tại Thái Bình.

Nhằm khuyến khích phát triển mô hình này, thời gian tới Tỉnh đoàn Thái Bình sẽ kết nối hỗ trợ nguồn vốn, kết nối tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, truyền thông và nhân rộng mô hình, đồng thời trang bị kiến thức quản trị, quản lý thông qua các chương trình đào tạo khởi nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ kết nối, xây dựng và phát triển thương hiệu.

Bằng sức trẻ và tinh thần thanh niên “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên," cùng với sự sáng tạo, ham học hỏi, chị Bùi Thị Duyên đã bước đầu tạo lập được hệ sinh thái sản xuất hữu cơ trên quê hương mình.

Năm 2020, chị giành giải khuyến khích cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức.

Vừa qua, chị cũng là một trong 90 thanh niên tiêu biểu được Tỉnh đoàn Thái Bình tuyên dương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục