Nước cờ cuối cùng của Tổng thống Trump đối với Iran là gì?

Theo Trang mạng thehill.com, nước cờ cuối cùng của Mỹ đối với Iran là ẩn số lớn nhất trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Nước cờ cuối cùng của Tổng thống Trump đối với Iran là gì? ảnh 1(Nguồn: moneycontrol.com)

Theo Trang mạng thehill.com, nước cờ cuối cùng của Mỹ đối với Iran là ẩn số lớn nhất trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Liệu đó có phải là một thỏa thuận mới - như Ngoại trưởng Mike Pompeo đã tuyên bố - có lợi hơn cho Mỹ so với thỏa thuận mà người tiền nhiệm của ông Trump là cựu Tổng thống Barack Obama đã ký kết? Hay đó là sự sụp đổ hoặc thậm chí là thay đổi chế độ ở Tehran như ông John Bolton - Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Trump - đã đe dọa? Chính xác ông Trump muốn gì khi lúc đầu đe dọa "xóa sổ" Iran rồi sau đó đề nghị gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani?

Câu trả lời rất có thể là ông Trump không biết mình muốn làm gì với Iran - và nếu có biết thì chính quyền của ông cũng không nói một cách rõ ràng. Tuy nhiên, có một điều mà ông Trump biết rất rõ, đó là việc tham gia một cuộc xung đột quân sự với Iran, hoặc một cuộc đàm phán bất lợi cho Mỹ, là những hoạt động chính trị tồi tệ trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đang đến gần.

Giống như hầu hết chính sách đối ngoại của ông Trump, cách tiếp cận của người đứng đầu nước Mỹ đối với Iran được thúc đẩy bởi sự giao thoa giữa các hoạt động chính trị trong nước và sự phù phiếm, cái tôi của chính ông.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã phản đối hiệp ước hạt nhân Iran, sử dụng nó để tách mình khỏi người tiền nhiệm, công kích bà Hillary Clinton, tập hợp sự ủng hộ của các cử tri Tin lành, nhóm người Cộng hòa bảo thủ và cộng đồng thân Israel, cũng như tạo tiền đề cho các mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Israel và Saudi Arabia, hai nước vốn rất ghét thỏa thuận này.

Ông Trump khoe khoang và tự hào về kỹ năng đàm phán của ông, đồng thời tuyên bố rằng ông sẽ không bao giờ đồng ý với cái mà ông gọi là thỏa thuận “tồi tệ nhất trong lịch sử loài người.”

Nhóm cố vấn đầu tiên của ông là những người tỉnh táo - Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Ngoại trưởng Rex Tillerson, Cố vấn An ninh Quốc gia McMaster - khi thuyết phục ông ở lại thỏa thuận mà ông rõ ràng muốn ra khỏi. Và tháng 5/2018, để cụ thể hóa cam kết trong chiến dịch tranh cử và được khuyến kích bởi những cố vấn mới cứng rắn hơn như John Bolton và Mike Pompeo, ông Trump đã đơn phương rời khỏi thỏa thuận này.

Vấn đề là ngoài chiến dịch gây áp lực tối đa, ép Iran bằng nhiều biện pháp trừng phạt hơn, đặc biệt là cố gắng giảm lượng xuất khẩu dầu lửa của nước này về 0, ông Trump không có Kế hoạch B.

Chính quyền Mỹ dường như không áp dụng cách tiếp cận cứng rắn với Iran nữa vì cho rằng với áp lực hiện giờ, Iran có thể phản ứng - như những gì nước này đã làm hồi tháng trước: tấn công các tàu chở dầu ở vùng Vịnh và bắn hạ một chiếc máy bay không người lái cỡ lớn, đắt tiền của Mỹ.

Tuần trước, Iran đã vi phạm một điều khoản khác của thỏa thuận khi vượt quá lượng urani làm giàu ở cấp độ thấp và đe dọa trong vòng 60 ngày tới sẽ làm giàu urani ở cấp độ cao hơn.

Khi đánh giá về khả năng leo thang căng thẳng thực sự với Iran ở vùng Vịnh, ông Trump đã tự biến mình trở thành người khó tính.

Ông Bolton đã hối thúc một phản ứng quân sự chống Iran để đáp trả việc máy bay không người lái của Mỹ bị Iran bắn rơi. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã rút lại quyết định này vào phút chót. Nói một cách khác, nếu ông muốn can dự với Iran, ông đang gửi tất cả các tín hiệu sai lầm bằng cách trừng phạt nhà lãnh đạo tối cao của Iran và gia tăng sức ép với Tehran. Và trong mọi trường hợp, Iran đã nói rõ rằng họ không có tâm trạng để nói chuyện.

Tổng thống Trump biết rằng việc dính vào một cuộc chiến mới khi ông hứa với cử tri mục tiêu chiến lược của ông là thoát khỏi những điều không thể tưởng tượng được, đặc biệt khi mùa bầu cử đang đến, không phải là một hành động thông minh. Giá dầu và khí đốt cao hơn - gần như chắc chắn là một đặc điểm trong giai đoạn phát động chiến tranh kéo dài với Iran- sẽ không có lợi trên bàn đàm phán kinh tế. Tehran cũng sẽ không đàm phán về một số loại thỏa thuận mới “giá rẻ" hoặc dễ dàng.

Thật là sai lầm nếu đội ngũ của ông Trump tin rằng họ có thể đàm phán với Iran mà không phải từ bỏ một cái gì đó để "có đi có lại," chứ đừng nói đến việc trở lại nguyên trạng một thỏa thuận mà ông Trump từng mô tả là tồi tệ nhất trong lịch sử.

Tổng thống Trump mong muốn vấn đề Iran sẽ biến mất. Chiến tranh với Iran sẽ rất tốn kém; một thỏa thuận có lẽ là không thực tế. Và bên cạnh đó, Iran không “nằm trong khái niệm thắng lớn của ông.”

Hiện giờ điều ông quan tâm là làm sao ký được một thỏa thuận với Triều Tiên bởi đó là một kỳ tích có thể giúp ông giành giải thưởng Nobel Hòa bình và một tấm vé đi vào lịch sử, khiến ông khác biệt tất cả những người tiền nhiệm.

Nhiều khả năng, Tổng thống Trump sẽ cố gắng tránh một cuộc đột phá chính trị đầy rủi ro hoặc một sự cố quân sự nghiêm trọng với Iran. Ông vẫn sẽ duy trì sức ép, thậm chí có thể mở một kênh đối thoại với Iran, nhưng cố gắng tránh một cuộc đối đầu quân sự. Liệu Iran có chơi theo kịch bản của ông Trump hay không? Còn phải chờ xem./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục