Omicron có khả năng làm tăng số ca nhập viện và tử vong tại châu Âu

ECDC cho rằng, ngay cả khi biến thể Omicron gây ra bệnh lý ít nghiêm trọng hơn, nhưng nó sẽ nhanh chóng gây ra các ca bệnh theo cấp số nhân, từ đó dẫn tới mức độ nhập viện và tử vong cao hơn.
Omicron có khả năng làm tăng số ca nhập viện và tử vong tại châu Âu ảnh 1Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 15/12, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo, biến thể Omicron có khả năng làm tăng số ca nhập viên và tử vong tại châu Âu, đồng thời có thể là tác nhân chính gây ra các ca nhiễm mới tại châu Âu vào tháng 1 hoặc tháng 2/2022.

ECDC cho rằng, ngay cả khi biến thể Omicron gây ra bệnh lý ít nghiêm trọng hơn, nhưng nó sẽ nhanh chóng gây ra các ca bệnh theo cấp số nhân, từ đó dẫn tới mức độ nhập viện và tử vong cao hơn.

Trong một cảnh báo nghiêm khắc đối với châu Âu, báo cáo đánh giá rủi ro nhanh mới nhất của ECDC đã hối thúc các chính phủ châu Âu thực hiện hành động khẩn cấp để làm chậm sự lây lan của chủng Omicron vốn rất dễ lây lan, lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi và Botswana vào tháng 11/2021.

ECDC đánh giá xác suất lây lan của Omicron là “rất cao” và nguy cơ tổng thể mà nó gây ra cho sức khỏe cộng đồng ở châu Âu là “rất cao.”

[Omicron có thể là biến thể lây nhiễm chính ở châu Âu trong tháng tới]

Giám đốc ECDC, bà Andrea Ammon nói: “Trong tình hình hiện tại, chỉ riêng việc tiêm chủng sẽ không cho phép chúng tôi ngăn chặn tác động của biến thể Omicron, bởi vì sẽ không có thời gian để giải quyết các lỗ hổng tiêm chủng vẫn còn tồn tại. Điều cấp thiết là cần phải có hành động mạnh mẽ để giảm nguy cơ lây bệnh và giảm bớt gánh nặng cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong những tháng tới.”

Cũng theo bà Andrea Ammon, tiêm chủng vẫn là chìa khóa để giảm tác động của biến thể Omicron và Delta, vốn là biến thể phổ biến trong khu vực.

ECDC cho biết các hệ thống y tế phải hành động ngay lập tức để tăng cường năng lực, trong khi các chính phủ không được loại bỏ các biện pháp phòng dịch như yêu cầu đeo khẩu trang và làm việc từ xa.

Bình luận về báo cáo đánh giá rủi ro mới của ECDC, Cao ủy về Y tế của Liên minh châu Âu (EU), Stella Kyriakides, nói rằng trong khi EU đã chuẩn bị tốt hơn cho làn sóng lây nhiễm Omicron sắp tới, thì EU vẫn cần quản lý và thúc đẩy nhanh hơn việc triển khai mũi tiêm tăng cường của vaccine COVID-19 cho toàn bộ người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục