Phái đoàn Chính phủ Syria đã đến Geneva dự hòa đàm

Phái đoàn Chính phủ Syria đã đến Geneva tham dự hòa đàm

Phái đoàn Chính phủ Syria, do ông Bashar al Jaafari dẫn đầu, đã đến thành phố Geneva, Thụy Sỹ, để chuẩn bị tham dự cuộc hòa đàm, do Liên hợp quốc bảo trợ dự kiến được nối lại vào ngày 14/3.
Phái đoàn Chính phủ Syria đã đến Geneva tham dự hòa đàm ảnh 1Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc, Trưởng phái đoàn Chính phủ Syria Bashar al-Jaafari (giữa) tới Geneva, tham dự cuộc hòa đàm. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 13/3, phái đoàn Chính phủ Syria, do ông Bashar al Jaafari dẫn đầu, đã đến thành phố Geneva, Thụy Sỹ, để chuẩn bị tham dự cuộc hòa đàm, do Liên hợp quốc bảo trợ và dự kiến sẽ được nối lại vào ngày mai 14/3.

Cùng ngày, Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC), gồm đại diện các nhóm đối lập chính của Syria, cũng tuyên bố sẵn sàng tới Geneva dự hòa đàm lần này.

Cuộc hòa đàm dù mong manh nhưng được kỳ vọng sẽ giúp tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu đã kéo dài suốt 5 năm qua tại Syria. Trong đó, các bên dự kiến thảo luận khả năng tiến hành bầu cử Tổng thống và Quốc hội trong vòng 18 tháng tới.

Tuy nhiên, đến nay bất đồng lớn nhất vẫn là tương lai của đương kim Tổng thống Bashar al Assad.

Ngay trước khi cử phái đoàn tới Geneva, chính quyền Damascus đã một lần nữa tuyên bố từ chối đàm phán về việc tiến hành bầu cử tổng thống sớm để thay thế đương kim Tổng thống Bashar al Assad, đồng thời không nhất trí với chương trình nghị sự do đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura đưa ra.

Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Syria Walid al Moallem nêu rõ chính phủ Syria hết sức thiện chí, và việc có đạt được tiến triển trong đàm phán hay không phụ thuộc vào mức độ chân thành của phe đối lập. Ông nêu rõ “lần này phái đoàn chính phủ Syria sẽ không chờ đợi và để lãng phí thêm thời gian.”

Trong khi đó, đại diện HNC, được phương Tây và một số nước Arab hậu thuẫn, mặc dù tuyên bố sẽ tham dự hòa đàm, nhưng lại kiên quyết yêu cầu đương kim Tổng thống Assad không được tham gia chính phủ chuyển tiếp.

Những bất đồng sâu sắc nói trên khiến cho cuộc hòa đàm khó có khả năng đạt được đột phá. Trong phát biểu mới nhất, đặc phái viên de Mistural cho biết cuộc hòa đàm lần này có thể kéo dài tới 10 ngày.

Trong bối cảnh như vậy, cũng trong ngày 13/3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới Paris gặp những người đồng cấp Pháp, Anh, Đức, Italy cùng Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini, để bàn thảo việc thúc đẩy tiến trình hòa đàm.

Phát biểu tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Pháp Jean Marc Ayrault thừa nhận tiến trình hòa đàm hết sức khó khăn, tuy nhiên, các hoạt động cứu trợ nhân đạo sẽ cần tiếp tục được triển khai, cùng với các nỗ lực ngoại giao để tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu cũng muốn củng cố thỏa thuận ngừng bắn vốn mong manh giữa các bên tại Syria, được áp đặt từ hôm 27/2 vừa qua.

Theo các nguồn tin địa phương, dù còn một số vi phạm, song lệnh ngừng bắn đã giúp giảm tới 80-90% tình trạng bạo lực tại quốc gia Trung Đông này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục