Công ty y sinh Carmat của Pháp ngày 5/5 thông báo bệnh nhân thứ 2 tại nước này tiếp nhận trái tim nhân tạo thế hệ mới đã qua đời sau tám tháng tính từ thời điểm được các bác sỹ tiến hành cấy ghép tim.
Bệnh nhân là một người đàn ông 69 tuổi. Sau khoảng một tháng được cấy ghép tim, bệnh nhân này cho biết "đã phục hồi" tới mức có thể đạp xe đạp.
Tuy nhiên, theo thông báo mới đây của Carmat - hãng đã chế tạo trái tim nhân tạo, bệnh nhân này đã nhập viện trở lại hôm 1/5 vừa qua trong tình trạng “hệ tuần hoàn không hoạt động.”
Theo chẩn đoán của các bác sỹ, trái tim nhân tạo của bệnh nhân hoạt động không tốt và họ buộc phải cấy ghép một thiết bị mới. Tuy nhiên, bệnh nhân đã qua đời vào ngày 2/5 do các biến chứng hậu phẫu.
Cấy ghép tim nhân tạo đang được sử dụng như một phương pháp điều trị tạm thời cho những người mắc bệnh tim bẩm sinh, cũng như cho những người bị bệnh tim ở giai đoạn cuối.
Theo Carmat, hiện có gần 100.000 người tại châu Âu và Mỹ cần được cấy ghép tim, song chỉ có khoảng 4.000 trái tim sẵn có để có thể đáp ứng cho các cuộc phẫu thuật.
Trái tim nhân tạo là một thiết bị độc lập được cấy ghép trong lồng ngực của bệnh nhân. Thiết bị này được hình thành từ sự kết hợp các chất liệu tổng hợp nhân tạo với các mô (vô số các tế bào) của động vật, nhằm tạo ra cấu trúc và chức năng giống với một trái tim thực sự của con người. Thiết bị này được kỳ vọng sẽ làm giảm bớt nguy cơ tụ máu và quá trình đào thải máu thông qua một hệ thống miễn dịch.
Đây là bệnh nhân thứ hai qua đời sau khi được cấy ghép tim nhân tạo của hãng Carmat. Bệnh nhân đầu tiên cũng mới qua đời chỉ sau hai tháng được cấy ghép.
Đến nay, Carmat đã tiến hành cấy ghép tim nhân tạo cho bốn bệnh nhân trong giai đoạn 1 của cuộc thử nghiệm. Theo kế hoạch, ngay sau khi kết thúc giai đoạn 1, Carmat sẽ tiếp tục tiến hành giai đoạn 2 của các cuộc thử nghiệm lâm sàng trên khoảng 20 bệnh nhân./.