Phố Wall đi xuống trong tuần giao dịch ngắn ngày đầy biến động

Sắc đỏ bao trùm Phố Wall ngay sau khi các quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo về biến thể B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 vừa được phát hiện ở Nam Phi.
Phố Wall đi xuống trong tuần giao dịch ngắn ngày đầy biến động ảnh 1Các chỉ số chủ chốt của thị trường chứng khoán Mỹ đều chứng kiến đà giảm điểm. (Nguồn: AP)

Trong tuần giao dịch đầy biến động có ngày nghỉ Lễ Tạ ơn, cả ba chỉ số chủ chốt của thị trường chứng khoán Mỹ đều chứng kiến đà giảm điểm.

Diễn biến mới phức tạp của dịch COVID-19 đã "lấn át" những dữ liệu kinh tế lạc quan của Mỹ và Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), khiến chỉ số Dow Jones ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ đầu năm nay vào ngày cuối tuần 26/11.

Trong ba phiên giao dịch liên tiếp đầu tuần này (22-24/11), Phố Wall đều chứng kiến diễn biến ngược chiều của ba chỉ số chính.

Các yếu tố tác động chính tới thị trường chứng khoán Mỹ bao gồm những biện pháp hạn chế mới để phòng dịch tại nhiều quốc gia châu Âu và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm gia tăng với dự đoán lạm phát tăng cao sẽ dẫn đến lãi suất tăng theo.

Sự gia tăng số ca mắc COVID-19 mới tại châu Âu đã buộc Áo trở lại tình trạng đóng cửa một phần vào ngày đầu tuần 22/11. Cùng với đó, Bỉ và Hà Lan vẫn đang “quay cuồng” với các cuộc biểu tình bạo lực gần đây nhằm phản đối các biện pháp giãn cách để chống dịch mới.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức cũng đã cảnh báo các biện pháp hạn chế đi lại - bao gồm việc cấm những người chưa được tiêm chủng đến một số không gian công cộng - là không đủ.

Ông Craig Erlam, nhà phân tích tại công ty môi giới giao dịch OANDA (Mỹ) đánh giá việc Áo phải tiến hành giãn cách xã hội đã là một cú sốc đối với thị trường. Nhưng nếu Đức theo sau quyết định của Áo sẽ là một đòn giáng mạnh vào sự phục hồi của kinh tế Eurozone.

[Thị trường chứng khoán thế giới lao dốc do lo ngại về biến thể Omicron]

Tuy nhiên, bất chấp nỗi lo về dịch bệnh, đà phục hồi kinh tế của Eurozone tiếp tục kéo dài trong tháng 11 dựa theo Chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) của công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit (Anh). Song cuộc khảo sát cũng nhấn mạnh áp lực lạm phát ngày càng tăng, với giá cả và tiền lương tăng mạnh hơn.

Đáng chú ý, vào phiên 24/11, chỉ số S&P 500 đã đóng phiên ở gần mức cao kỷ lục khi số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ đạt mức thấp nhất kể từ năm 1969, trong khi thu nhập và chi tiêu của người tiêu dùng đều tăng hơn dự kiến. Tuy nhiên, doanh số bán nhà mới thấp hơn dự kiến và lượng đơn đặt hàng hàng hóa bền vững giảm.

Biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy những lo ngại về giá cả tăng cao khi dữ liệu cho thấy lạm phát cao hơn mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương và trong tháng 10/2021 tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước đó.

Biên bản này đã làm tăng thêm kỳ vọng về việc Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn, một yếu tố thúc đẩy đồng USD mạnh lên.

Thị trường đóng cửa nghị Lễ Tạ ơn vào ngày 25/11, trước khi mở lại vào phiên giao dịch ngày 26/11.

Mặc dù diễn ra ngắn hơn thường lệ do kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn vẫn đang diễn ra, Phố Wall lại chứng kiến biến động khá mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần này, khi thông tin về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 mới được tìm thấy ở Nam Phi đã dẫn đến sự tháo chạy toàn cầu khỏi các tài sản rủi ro. Điều này đã khiến ba chỉ số chứng khoán chủ lực của Mỹ khép lại một tuần đi xuống.

Kết thúc phiên này, chỉ số Dow Jones hạ 905,04 điểm (tương đương 2,53%) xuống 34.899,34 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất từ đầu năm 2021. Chỉ số S&P 500 mất 2,27%, xuống còn 4.594,62 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lùi 2,23% xuống 15.491,66 điểm. Vào thời điểm chạm mức “đáy” của phiên này, Dow Jones đã sụt hơn 1.000 điểm.

Sắc đỏ bao trùm Phố Wall ngay sau khi các quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo về biến thể B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 vừa được phát hiện ở Nam Phi.

Ngày 26/11, WHO đặt tên mới cho biến chủng này là Omicron, cho rằng  đây là biến thể “đáng quan ngại”, với số lượng đột biến "rất cao," lên tới 32 đột biến trong protein gai. Do những đột biến này, các nhà khoa học lo ngại nó có thể làm tăng khả năng kháng vaccine, mặc dù WHO cho biết cần phải điều tra thêm.

Nhằm ngăn chặn nguy lây nhiễm biến thể mới, nhiều nước đã ban hành lệnh tạm thời ngừng hoạt động vận tải hàng không từ Nam Phi và các nước thuộc khu vực miền Nam châu Phi.

Giá trái phiếu tăng và lợi suất trái phiếu giảm trong bối cảnh dòng tiền đổ về các kênh trú ẩn an toàn. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm mất 15 điểm cơ bản còn 1,49%. Đây là một sự đảo chiều mạnh mẽ, khi lợi suất đã nhảy vọt hồi đầu tuần vượt mức 1,68%.

Các thị trường chứng khoán châu Á cũng bị ảnh hưởng nặng nề trong phiên giao dịch ngày 26/11, với chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) đều giảm hơn 2%. Chỉ số DAX của Đức giảm hơn 4%. Đồng bitcoin mất 8%.

Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo mức độ lo ngại trên Phố Wall, tăng lên 28, mức cao nhất trong hai tháng qua.

Các cổ phiếu liên quan đến du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với cổ phiếu Carnival Corp. và Royal Caribbean lần lượt hạ 11% và 13,2%. Cổ phiếu United Airlines lao dốc hơn 9%, còn cổ phiếu American Airlines rớt 8,8%.

Cổ phiếu Boeing mất hơn 5%, và cổ phiếu Marriott International giảm gần 6,5%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng suy giảm do lo ngại đà giảm tốc ở các hoạt động kinh tế và lãi suất giảm. Cổ phiếu Bank of America giảm 3,9% và cổ phiếu Citigroup lùi 2,7%.

Các cổ phiếu công nghiệp liên quan đến kinh tế toàn cầu cũng không nằm ngoài xu hứng lao dốc này, dẫn đầu là đà giảm 4% của cổ phiếu Caterpillar. Cổ phiếu Chevron mất 2,3% khi nhóm cổ phiếu năng lượng phản ứng với đà giảm của giá dầu thô.

Tính chung cả tuần qua, chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,5%, còn chỉ số S&P 500 và Dow Jones lần lượt giảm 2,2% và 2%.

Phiên giao dịch ngày 26/11 bị rút ngắn do nằm trong kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn. Thị trường trong những tuần nghỉ lễ thường có khối lượng giao dịch tương đối thấp, điều này có thể làm tăng biến động trên thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục