Quản lý thuốc lá thế hệ mới: Xây dựng trên cơ sở khoa học và thực tế

COP9 đã diễn ra dưới hình thức trực tuyến và là phiên bản ngắn gọn tạm thời do không thể thực hiện các cuộc họp thảo luận toàn diện và đầy đủ để đánh giá vai trò và khoa học của thuốc lá thế hệ mới.
Quản lý thuốc lá thế hệ mới: Xây dựng trên cơ sở khoa học và thực tế ảnh 1Phiên bế mạc kỳ họp COP9. (Ảnh: WHO/FCTC)

Chương trình họp thường kỳ với các Bên (quốc gia) tham gia Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) lần thứ 9 (COP9) vừa kết thúc tốt đẹp. Đoàn Việt Nam tham dự với thành phần là quan chức Bộ Y tế và một số bộ ngành liên quan. Mục đích COP9 nhằm hướng đến việc kiểm soát thuốc lá trong tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

Các quốc gia quản lý thuốc lá bằng quyền tự quyết

Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là hiệp ước quốc tế ràng buộc pháp lý đầu tiên nhằm thúc đẩy sức khỏe cộng đồng, được thương lượng dưới sự bảo trợ của WHO và được thông qua vào năm 2003.

Kể từ khi có hiệu lực từ năm 2005, Công ước Khung FCTC đã trở thành công cụ mạnh mẽ hỗ trợ các các quốc gia nỗ lực kiểm soát thuốc lá trên toàn cầu, trong đó bao gồm nỗ lực giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, bảo vệ trẻ vị thành niên và cộng đồng bằng luật cấm hút thuốc ở những nơi công cộng và những nơi làm việc có không gian kín, cấm toàn diện đối với việc quảng bá, tiếp thị và tài trợ thuốc lá cũng như thực hiện các cảnh báo bằng hình ảnh.

Để thực hiện những hướng dẫn của Công ước khung đầy đủ và toàn diện cần có sự tham gia kết hợp của nhiều Bộ ngành liên quan phân tích đánh giá trên điều kiện thực tiễn. Đây cũng để các Bộ ngành đều có cơ hội đóng góp tiếng nói trong công cuộc kiểm soát thuốc lá của quốc gia.

Tuy vậy, Công ước khung dù là công cụ hỗ trợ kiểm soát thuốc lá cho các quốc gia nhưng không phải là yếu tố có tính chất quyết định duy nhất. Trong các kỳ họp Hội nghị các bên cũng nhấn mạnh, việc kiểm soát thuốc lá và hình thức kiểm soát sẽ do các quốc gia quyết định vì chính các quốc gia hiểu rõ thực trạng, nguyện vọng người dân cũng như các yếu tố tác động khác bao gồm cả vi mô lẫn vĩ mô.

Trong gần hai năm qua, dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu theo từng làn sóng (tại Việt Nam, đã là làn sóng thứ 4) dẫn đến nhiều mục tiêu của FCTC bị gián đoạn. Vì vậy, COP9 đã diễn ra dưới hình thức trực tuyến và là phiên bản ngắn gọn tạm thời do không thể thực hiện các cuộc họp thảo luận toàn diện và đầy đủ để đánh giá vai trò và khoa học của thuốc lá thế hệ mới. Điều này hoàn toàn khác biệt với các kỳ hội nghị các bên từ COP8 trở về trước.

Khoa học vẫn nghiên cứu, quản lý vẫn phải làm

Thị phần toàn cầu của các sản phẩm thuốc lá điện tử kể cả có nicotin và không có nicotin trong năm 2015 ước tính đạt gần 10 tỷ đô. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng một sản phẩm vape đã đạt tăng trưởng mạnh lên đến 70% tại Mỹ.

[Quản lý thuốc lá thế hệ mới: Cần sự đánh giá toàn diện]

Tại Anh sản phẩm này chiếm 36.3% thị trường lên đến 80 tỷ bảng Anh. Cũng theo số liệu từ một công ty thuốc lá, các sản phẩm thuốc lá làm nóng của công ty này hiện diện 70 thị trường trên toàn cầu. Ngoài ra còn có các sản phẩm thuốc lá ngậm tại thị trường Mỹ tăng trưởng 450%.

Trong khi đó WHO vẫn nhấn mạnh, thế giới sẽ vẫn còn hơn 1 tỷ người tiếp tục hút thuốc lá điếu cho đến năm 2025. Điều này cho thấy, dù biết nicotin gây nghiện nhưng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nicotin không hề thay đổi.

Người hút thuốc chỉ chuyển đổi từ tiêu thụ nicotin từ thuốc lá điếu đốt cháy sang các sản phẩm nicotin từ các sản phẩm thuốc lá “công nghệ” chứa ít hàm lượng chất hóa học gây hại hơn.

Do vậy, mặc dù các trong suốt các kỳ họp COP vẫn diễn ra những tranh luận về khoa học của các sản phẩm thuốc lá “công nghệ” (thuốc lá thế hệ mới), nhưng tại COP7 và COP8, WHO kêu gọi chính phủ các nước cần sớm kiểm soát, đưa các sản phẩm này vào luật.

Theo đó COP7, WHO ban hành hướng dẫn quản lý thuốc lá điện tử. Còn tại COP8, WHO công nhận thuốc lá làm nóng là thuốc lá và kêu gọi các nước quản lý thuốc lá làm nóng theo luật kiểm soát thuốc lá quốc gia.

Về góc độ khoa học, Cục quản lý Dược phẩm và Thực Phẩm (FDA) của Mỹ, Viện đánh giá nguy cơ Liên ban Đức (BfR), Y tế Công cộng Anh (PHE), … đã kiểm nghiệm và công bố những sở cứ về việc các sản phẩm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử có hàm lượng hóa chất gây hại ít hơn so với thuốc lá điếu đốt cháy.

Những nghiên cứu này không nhằm mục đích khuyến khích hút thuốc lá mà cung cấp thêm cho những người chưa thể cai nghiện thuốc lá một sự lựa chọn để góp phần giảm thiểu tác hại từ việc hút thuốc lá; các nước vẫn nhấn mạnh vai trò cai bỏ thuốc lá và các sản phẩm nicotin luôn là ưu tiên hàng đầu.

Hiện vẫn đang tồn tại nhiều tranh luận xung quanh các căn cứ khoa học về thuốc lá thế hệ mới và điều này phần nào tác động đến quyết định của các chính phủ liên quan đến chính sách quản lý sản phẩm này.

Tại Việt Nam, tình trạng buôn lậu các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới diễn ra khá phổ biến, dẫn đến sự hao tổn đáng kể đối với ngân sách nhà nước. Theo thống kê, buôn lậu thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá khiến nhà nước thất thu thuế đến 8.500 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, tình trạng này kéo dài còn dẫn đến những tổn thương về mặt xã hội bao gồm sức khỏe cộng đồng nói chung, của giới trẻ nói riêng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục