Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên nỗ lực giữ an toàn cho cộng đồng

Quảng Ninh tạm dừng nhiều dịch vụ kinh doanh, thẩm mỹ, giải trí, thể thao...; Quảng Ngãi kiểm soát chặt ngư dân trở về từ vùng dịch; Phú Yên tiếp tục giãn cách xã hội đến ngày 15/8.
Các phương tiện vào địa bàn Quảng Ninh phải dừng để kiểm tra và khai báo y tế nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Các phương tiện vào địa bàn Quảng Ninh phải dừng để kiểm tra và khai báo y tế nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Kể từ 12 giờ ngày 4/8, tỉnh Quảng Ninh sẽ tạm dừng một số hoạt động nhằm giữ địa bàn an toàn.

Tính đến ngày 4/8, Quảng Ninh là 1 trong 4 tỉnh của cả nước đã qua gần 40 ngày không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.

Các hoạt động phải tạm dừng gồm các bãi tắm công cộng; dịch vụ văn hóa, thể thao; điểm vui chơi, dịch vụ vui chơi giải trí: rạp chiếu phim, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage, pub, club (hộp đêm); dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp, spa; dịch vụ internet, trò chơi điện tử.

Các khu, điểm du lịch; cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tạm thời không đón khách tham quan, chỉ thực hiện nghi thức tôn giáo nội bộ.

Các hàng quán đường phố, càphê, giải khát, quán nước, không phục vụ tại chỗ, chỉ được bán hàng mang đi. Nhà hàng, quán ăn trong nhà được phép hoạt động nhưng phải có tấm chắn giọt bắn và sắp xếp giãn cách chỗ ngồi; khuyến khích bán hàng mang đi.

Quảng Ninh cũng siết chặt công tác quản lý các chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh; không tổ chức các hoạt động, sự kiện tập trung đông người.

Người dân không tập trung quá 5 người tại 1 khu vực cùng 1 thời điểm tại vườn hoa, công viên, quảng trường, đường phố, bãi biển và tại các khu vực ngoài trụ sở cơ quan, cơ sở kinh doanh, trường học, cơ sở y tế và tại các nơi công cộng khác.

Người từ tỉnh ngoài về Quảng Ninh phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR âm tính không quá 72 giờ kể từ khi lấy mẫu.

Quảng Ninh tạo điều kiện để xe tải chờ hàng hóa, vật tư, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, xe chở nhu yếu phẩm, xe chở công nhân đi làm theo tuyến cố định có kiểm soát lưu thông bình thường.

Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân các huyện thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai dịch vụ xét nghiệm nhanh bằng phương pháp kháng nguyên tại các chốt kiểm soát.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện thị xã, thành phố, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra hành chính các phương tiện tại các chốt kiểm soát vào tỉnh và tuần tra, kiểm soát dọc các tuyến đường để kịp thời phát hiện người trốn trên các phương tiện để vào Quảng Ninh; xử lý nghiêm các trường hợp dừng đỗ dọc đường, không tuân thủ cam kết dừng đỗ xe và quy trình phòng, chống dịch.

[Hà Nội yêu cầu siết chặt việc đi lại ngay từ gia đình, ngõ xóm]

Trước diễn biến phức tạp của COVID-19, tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành kiểm soát chặt ngư dân về từ vùng dịch, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng.

Theo ghi nhận, khi phát hiện có tàu cá cập cảng, các cán bộ, chiến sỹ Trạm kiểm soát biên phòng Sa Kỳ, xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi lập tức tiếp cận, kiểm tra nắm thông tin rồi tận tình hướng dẫn chủ tàu khai báo lịch trình di chuyển.

Đại úy Phan Xuân Huề, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ, xã Tịnh Kỳ cho hay, Trạm duy trì nghiêm công tác kiểm tra, kiểm soát theo đúng quy trình “5 kiểm, 1 chứng,” đặc biệt là duy trì nghiêm việc kiểm dịch tại chốt; phối hợp lấy mẫu test nhanh các trường hợp đi về từ vùng dịch.

Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên nỗ lực giữ an toàn cho cộng đồng ảnh 1Ban quản lý chợ Quảng Ngãi lập chốt kiểm soát tại cửa ngõ ra vào chợ. (Ảnh: Lê Ngọc Phước/ TTXVN)

Tàu cá QNg 92709-TS do ngư dân Nguyễn Thanh Sơn (trú xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) làm chủ tàu vươn khơi vào ngày 20/7, trong lúc đang đánh bắt hải sản không may bị hỏng máy.

Khi biết tin cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) đóng cửa, ông Sơn liền cho tàu chạy về Quảng Ngãi và xin Trạm vào neo trú tạm để sửa chữa.

“Tôi cùng 4 thuyền viên trên tàu đã khai báo y tế đầy đủ và được lực lượng chức năng test nhanh SARS-CoV-2 theo quy định,” ngư dân Nguyễn Thanh Sơn cho biết.

Công tác test nhanh được thực hiện tại chốt kiểm tra y tế được thiết lập ngay trong khu vực Trạm kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ.

Các thuyền viên có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS- CoV- 2 mới được vào cảng cá để bán hải sản hoặc khắc phục sự cố…

Trưởng khoa xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh (Trung tâm Y tế thành phố Quảng Ngãi) Bùi Vạn Huynh thông tin, Trung tâm đã triển khai test nhanh cho ngư dân được 3 ngày.

Đến thời điểm hiện tại, đã lấy được 55 mẫu và toàn bộ số mẫu này đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Trường hợp nghi ngờ sẽ được xét nghiệm RT- PCR để khẳng định.

Việc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cảng cá, Trạm kiểm soát biên phòng sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng đồng thời, nâng cao ý thức của ngư dân về phòng, chống dịch tại Quảng Ngãi.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên, trong 24 qua giờ toàn tỉnh ghi nhận mới 63 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Điều đáng lo ngại là số ca nhiễm trong cộng đồng còn nhiều, số người mắc liên quan đến các khu vực chợ, khu công nghiệp xuất hiện tại nhiều điểm.

Bên cạnh đó, tỉnh đang ghi nhận nhiều ca dương tính là người về từ các tỉnh phía Nam.

Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên nỗ lực giữ an toàn cho cộng đồng ảnh 2Nhân viên y tế tại chốt kiểm soát quốc lộ 1 tại thị xã Đông Hòa, Phú Yên hướng dẫn người dân trở về bằng phương tiện cá nhân khai báo y tế. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Phú Yên đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 23/7 nhưng tình hình dịch vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã thống nhất tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn toàn tỉnh đến ngày 15/8.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương nhấn mạnh các ngành liên quan phải đặc biệt chú ý công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất có đông công nhân, người lao động.

Các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch; tích cực, chủ động phối hợp với ngành chức năng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch khi có tình huống xảy ra; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giấu dịch.

Các địa phương lập các tổ liên ngành để kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có đông người lao động; tiếp tục đồng hành, phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam để hỗ trợ người dân Phú Yên ổn định cuộc sống, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Ông Phạm Đại Dương cho rằng, thời điểm này “Kỷ luật là sức mạnh, kỷ luật là nhân văn.”

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, địa phương, đơn vị tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.

Trong đó tăng cường trách nhiệm tập thể cấp ủy, chính quyền các cấp gắn với nêu cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu là căn cứ để đánh giá cán bộ, xếp loại thi đua.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục