Ngày 2/2, Quốc hội được quốc tế công nhận tại Libya đã bãi bỏ luật cấm các quan chức cấp cao dưới thời nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đảm nhận bất kỳ chức vụ chính trị nào.
Phát biểu với báo giới, nghị sĩ Tariq al-Jeroshi cho biết Luật Cách ly chính trị đã được bãi bỏ sau cuộc bỏ phiếu với sự tham dự của 101 thành viên ở quốc hội.
Theo ông Jeroshi, quốc hội Libya đã thông qua luật này hồi tháng 5/2013 dưới sức ép của các tay súng bao vây bộ ngoại giao và bộ tư pháp đòi chính phủ sa thải các quan chức liên quan đến nhà lãnh đạo Gaddafi, do vậy luật này không có hiệu lực.
Một số nhà phân tích cho rằng động thái trên có thể làm dấy lên mâu thuẫn hơn nữa tại Libya, trong thời điểm nhạy cảm hiện nay khi quốc gia Bắc Phi này đang tồn tại hai chính phủ và hai quốc hội.
Theo kế hoạch chuyển giao chính trị ở Libya, quốc hội được bầu cử hồi tháng 6/2014 đã thay thế Đại hội Nhân dân Toàn quốc (GNC-cơ quan lập pháp cũ của Libya). Tuy nhiên, hiện tại Liên minh Hồi giáo Fajr Libya ủng hộ GNC đang chiếm thủ đô Tripoli và lập chính phủ riêng song không được quốc tế công nhận. Trong khi đó, chính phủ và quốc hội được quốc tế công nhận đã phải dời trụ sở về thành phố Al-Beida, cách thủ đô Tripoli 1.200 km.
Bế tắc chính trị và bạo lực nghiêm trọng vẫn tiếp diễn tại Libya hơn ba năm sau làn sóng chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi tháng 10/2011.
Bạo lực đã làm ít nhất 1.000 người thiệt mạng và hơn 100.000 người phải rời bỏ nhà cửa./.