Quốc hội mới sẽ không nhân nhượng trước Tổng thống Trump?

Quốc hội khóa mới của Mỹ có sự tham gia của số lượng các nghị sỹ có tư tưởng tiến bộ đông đảo nhất trong nhiều năm qua, vì vậy những nhân vật này có thể sẽ không nhân nhượng trước Tổng thống Trump.
Quốc hội mới sẽ không nhân nhượng trước Tổng thống Trump? ảnh 1Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington D.C., ngày 21/12/2018. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Theo AFP, các nghị sỹ đảng Dân chủ, những người chính thức tiếp quản Hạ viện Mỹ vào ngày 3/1/2019, tuyên bố sẽ thách thức Tổng thống Donald Trump trên hàng loạt mặt trận: từ các cuộc điều tra của Quốc hội đối với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử cho tới tranh luận xung quanh vấn đề nhập cư và chăm sóc sức khỏe, trong bối cảnh đang có nhiều đồn đoán về kế hoạch luận tội Tổng thống Trump.

Quốc hội khóa mới của Mỹ sẽ là cơ quan lập pháp với sự tham gia của số lượng các nghị sỹ có tư tưởng tiến bộ đông đảo nhất trong nhiều năm qua, vì vậy những nhân vật này có thể sẽ không nhân nhượng với một vị tổng thống luôn khăng khăng đòi hỏi nguồn ngân sách chi cho việc xây dựng bức tường ở biên giới phía Nam với Mexico.

Dẫn đầu bởi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, các nghị sỹ đảng Dân chủ sẽ nhanh chóng bắt tay vào công việc với việc thúc đẩy các dự luật để chấm dứt tình trạng chính phủ bị đóng cửa một phần và nỗ lực nhằm duy trì “Obamacare.”

Đảng Cộng hòa vẫn nắm quyền kiểm soát Thượng viện, song có rất nhiều kịch bản có thể khiến đảng Dân chủ, với quyền lực mới thâu tóm tại Hạ viện, có thể trở thành thách thức lớn đối với Tổng thống Trump.

Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm hồi tháng 11, đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát toàn bộ các ủy ban Hạ viện. Các nhà lập pháp của đảng này bóng gió rằng Tổng thống Trump cùng nhiều thành viên nội các sẽ đối mặt với một loạt cáo buộc và điều tra từ xung đột lợi ích, lạm dụng tiền quỹ và lạm quyền.

Việc có thêm các cuộc điều tra khác sẽ càng khiến Nhà Trắng, vốn đang bị phủ bóng đen bởi cuộc điều tra về mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử năm 2016 của Trump với Nga mà Công tố viên đặc biệt Robert Mueller tiến hành, càng thêm rối ren, làm trì hoãn các mục tiêu của chính quyền và xói mòn thông điệp của Tổng thống Mỹ.

Tân Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler cảnh báo rằng ông có ý định điều tra quyết định sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions mà Tổng thống Trump đưa ra hồi tháng 11, động thái khiến công việc của ông Mueller gặp nhiều trở ngại.

Trong khi đó, ưu tiên hàng đầu của phe Dân chủ là các vấn đề liên quan đến tiền thuế mà Tổng thống Trump đã đóng, điều mà ông từ chối công khai trong chiến dịch tranh cử.

Bà Pelosi từng nhấn mạnh hồi tháng 10/2018 rằng yêu cầu Tổng thống Trump công khai chứng từ thuế “sẽ là một trong những công việc đầu tiên mà chúng tôi làm.”

[Mục đích của Quốc hội Mỹ khi thông qua đạo luật ARIA]

 

Vấn đề về người nhập cư bất hợp pháp là một trong những nội dung chính trong chương trình chính trị của Tổng thống Trump và là nguyên nhân gây tranh cãi với phe Dân chủ. Người đứng đầu Nhà Trắng muốn chi 5 tỷ USD để xây bức tường dọc biên giới, một biện pháp để ngăn chặn và giám sát những người di cư trái phép vào nước Mỹ.

Tuy nhiên ý định này không có được sự đồng tình của đảng Dân chủ. Kết quả là một số cơ quan chính phủ phải đóng cửa sau khi Tổng thống Trump đe dọa phủ quyết mọi dự luật chi tiêu.

Ngày 3/1, Chủ tịch Hạ viện Pelosi sẽ công bố 2 dự luật mới để cấp ngân sách cho các cơ quan đang tạm đóng cửa, đồng thời lưu ý rằng nội dung 2 dự luật “không bao gồm khoản chi dành cho việc xây bức tường.”

Hạ viện do đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát chắc chắn sẽ kìm hãm đáng kể các mục tiêu lập pháp của Tổng thống Trump. Dự luật đầu tiên được công bố trong phiên họp ngày 3/1 bao gồm các biện pháp cải tổ chiến dịch quyên góp tranh cử và bỏ phiếu cũng như các nguyên tắc liên quan.

Dự luật này có thể sẽ không được Thượng viện do đảng Cộng hòa nắm giữ thông qua song sẽ là một yếu tố định hình cương lĩnh tranh cử năm 2020 của phe Dân chủ.

Tổng thống Mỹ cũng đối mặt với một đảng đối lập có ý định bảo vệ Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền, các cải cách về chăm sóc y tế dưới thời Tổng thống Obama mà phe Cộng hòa liên tục tìm cách loại bỏ.

Các nghị sỹ Dân chủ tại Hạ viện cũng đang tìm cách thách thức Tổng thống Trump trong vấn đề môi trường với việc thành lập một ủy ban mới về biến đổi khí hậu để chính phủ có thể phản ứng hiệu quả hơn trước các diễn biến bất ngờ của tình trạng ấm lên trên toàn cầu.

Những mâu thuẫn và thách thức tiềm tàng mà Quốc hội thứ 116 của Mỹ đang phải đối mặt là nguy cơ nổ ra các tranh cãi xung quanh việc phế truất tổng thống. Nhiều ý kiến cho rằng một số thành viên theo đường lối tự do của đảng Dân chủ sẽ đề xuất tiến hành các thủ tục để tìm cách bãi nhiệm đứng đầu Nhà Trắng.

Đảng Dân chủ nhìn nhận một số hành động của Trump, như việc trả tiền để “bịt miệng” 2 phụ nữ về bê bối tình dục trong chiến dịch tranh cử năm 2016 rõ ràng là “sai phạm nghiêm trọng” song bà Pelosi lại phủ nhận khả năng vụ việc này có thể dẫn đến tiến trình luận tội nhằm phế truất tổng thống.

Trên thực tế, ngay cả trong trường hợp Hạ viện tìm cách luận tội Trump thì việc phế truất cũng không đơn giản bởi điều này cần có sự đồng thuận của 2/3 số thượng nghị sỹ Mỹ, một kịch bản khó có khả năng xảy ra trừ phi các thành viên trong đảng Cộng hòa quay lưng lại với nhà lãnh đạo đại diện cho chính đảng mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục