Ngày 2/2, hãng tin quốc tế của Tây Ban Nha (EFE) đưa tin Quốc hội Venezuela, do phe đối lập chiếm đa số, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về lương thực trên toàn quốc, chỉ một tuần sau khi cơ quan này ban bố tình trạng “khủng hoảng nhân đạo y tế.”
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, nghị sỹ Julio Borges, người đứng đầu liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) đối lập tại Quốc hội, cho biết ngày 11/2 tới Quốc hội sẽ thảo luận vấn đề thiếu hụt trầm trọng lương thực, thực phẩm trên toàn quốc và sẽ yêu cầu chính phủ thực hiện các giải pháp cần thiết để giải quyết tình trạng nói trên.
Ông Borges đánh giá trong những tháng gần đây, tình trạng này càng trở nên tồi tệ hơn và cùng với nó là việc giá cả tăng vọt.
Nghị sỹ Borges bày tỏ mong muốn Chính phủ đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy canh tác 4 triệu ha đất nông nghiệp bỏ hoang và nhấn mạnh các doanh nghiệp cần đầu tư vốn để sản xuất chứ không chỉ để nhập khẩu.
Trong bối cảnh nền kinh tế Venezuela gặp nhiều khó khăn, chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro nhấn mạnh sẽ ưu tiên tăng cường sản xuất lương thực và thực phẩm.
Nền kinh tế này đã sụt giảm 5% trong năm 2015 và thống kê của Ngân hàng Trung ương Venezuela, lạm phát 9 tháng đầu năm 2015 đã lên tới 108,7%.
Giá dầu lao dốc cũng ảnh hưởng đáng kể tới nguồn thu của Venezuela khi dầu khí chiếm tới 96% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dầu khí của quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) này chỉ đạt 42,5 tỷ USD so với 74 tỷ USD năm 2014.
Hiện, dự trữ ngoại tệ của Venezuela chỉ còn gần 15 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2003./.