Quyết liệt giảm số người chết vì tai nạn giao thông

Quyết liệt các biện pháp để giảm số người chết vì tai nạn giao thông

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm số người chết vì tai nạn giao thông xuống dưới 9.000 người trong năm 2014.
Quyết liệt các biện pháp để giảm số người chết vì tai nạn giao thông ảnh 1Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì Hội nghị về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 9 tháng và nhiệm vụ trọng tâm quý 4/2014. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 3/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng năm 2014 và triển khai công tác quý 4/2014.

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng, tính từ ngày 16/12/2013 đến 15/9/2014, toàn quốc xảy ra 18.697 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.758 người, làm bị thương 17.835 người.

Trong số này, tai nạn giao thông đường bộ từ ít nghiêm trọng trở lên xảy ra 7.581 vụ, làm chết 6.604 người, bị thương 4.380 người.

Tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 129 vụ, làm chết 111 người, bị thương 31 người. Tai nạn giao thông đường thủy xảy ra 57 vụ, làm chết 43 người, bị thương 6 người. Trên tuyến giao thông hàng hải xảy ra 10 vụ tai nạn nhưng không có người chết và bị thương.

45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm số người chết vì tai nạn giao thông, trong đó 11 địa phương giảm trên 20% số người chết là Bắc Giang, Bắc Kạn, Ninh Thuận, Đà Nẵng, Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Phú Thọ, Đắk Lắk, Bình Dương, Đồng Tháp. Đặc biệt, hai tỉnh là Bắc Giang, Bắc Kạn giảm trên 30% số người chết vì tai nạn giao thông.

Từ đầu năm đến nay, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương triển khai quyết liệt công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm, tổ chức nhiều đợt cao điểm theo các chuyên đề trên các tuyến giao thông trọng điểm, địa bàn phức tạp về trật tự an toàn giao thông.

Bộ Công an đã chỉ đạo triển khai trong toàn quốc mô hình huy động lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động phối hợp với cảnh sát giao thông tập trung xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông và trật tự an toàn xã hội, ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật hình sự trên các tuyến giao thông; tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông và huy động các lực lượng khác tham gia hướng dẫn, điều khiển giao thông, phân luồng, phân tuyến giải tỏa ùn tắc giao thông.

Đánh giá cao nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, song, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ mặc dù tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương, các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng, xe chở container được kiềm chế, nhưng tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao, có chiều hướng gia tăng trên địa bàn nông thôn, còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách.

14 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng, trong đó 5 tỉnh tăng trên 25% gồm Cà Mau, Kiên Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Vĩnh Phúc.

Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn xảy ra ở một số tuyến phố tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh vào giờ cao điểm buổi chiều. Một số vụ ùn tắc kéo dài đã xảy ra trên một số tuyến quốc lộ (Quốc lộ 1, Quốc lộ 5, Quốc lộ 70...).

Tình trạng phương tiện vi phạm chở hàng hóa quá tải trọng cho phép trên đường bộ tuy đã giảm sâu vẫn còn diễn biến phức tạp. Hiện tượng “cò mồi” dẫn xe quá tải trạm kiểm tra tải trọng vẫn tồn tại.

Năng lực, chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế; còn dư luận về những tiêu cực, nhũng nhiễu của lực lượng thực thi công vụ trong công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, công tác đăng kiểm, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan và địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và Nghị quyết số 30 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 18; Chương trình, kế hoạch công tác năm 2014 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhằm phấn đấu kéo giảm số người chết do tai nạn giao thông năm 2014 xuống dưới 9.000 người.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông-Vận tải tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án quy hoạch và các đề án khác, bảo đảm đúng tiến độ đã đăng ký, đặc biệt là các quy định siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện; điều kiện hoạt động đối với xe khách giường nằm 2 tầng; nghiên cứu bổ sung các quy định và chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện; hành khách không thắt dây an toàn khi đi ôtô; nghiên cứu để quy định có hiệu quả về việc thu quỹ bảo trì đường bộ đối với xe môtô.

Bộ Giao thông-Vận tải khẩn trương hoàn thành quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định; đẩy mạnh khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ôtô tăng cường giám sát xử lý vi phạm đối với chủ xe, lái xe cũng như xác định trách nhiệm liên quan của cơ quan quản lý nhà nước và người thực thi công vụ; đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu thị phần và tăng cường kết nối các phương thức vận tải.

Bộ Giao thông-Vận tải phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu xe đạp điện, xe máy điện.

Bộ Giao thông-Vận tải tăng cường chỉ đạo, phối hợp kiểm soát tải trọng phương tiện, triển khai đầu tư xây dựng trạm các kiểm soát tải trọng cố định vào dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 đoạn qua Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông và chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Công điện số 1966/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ; Công điện số 04/BCA ngày 08/7/2014 về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Lực lượng Công an tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát, chú trọng tuần lưu, ứng dụng công nghệ cao, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải khách, đặc biệt là các hành vi vi phạm quy định về tốc độ, về nồng độ cồn, chở quá số người quy định; đi không đúng làn đường, luồng tuyến; vi phạm quy định về thời gian lái xe, lái tàu; đón, trả khách không đúng nơi quy định.

Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng lộ trình quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua tài khoản ngân hàng; triển khai các biện pháp của Chính sách quốc gia phòng chống lạm dụng rượu, bia vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan áp dụng điều kiện về Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với toàn bộ xe hai bánh chạy điện nhập khẩu trước khi làm thủ tục thông quan; tăng cường thực hiện và nâng cao hiệu quả hoạt động chống buôn lậu và gian lận thương mại nhằm ngăn chặn, giảm thiểu lượng xe hai bánh chạy điện, mũ bảo hiểm và phụ tùng, phụ kiện nhập lậu vào thị trường Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục