Sáng 20/11, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 256,9 triệu ca

Đức không loại trừ khả năng áp đặt "tình trạng khẩn cấp" trước tình hình dịch bệnh lây nhiễm nghiêm trọng; trong khi EMA bắt đầu xem xét sử dụng thuốc điều trị để các nước EU sử dụng khẩn cấp.
Sáng 20/11, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 256,9 triệu ca ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Munich (Đức). (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 ngày 20/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 256.915.825 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.154.848 ca tử vong.

Tổng số ca đã khỏi bệnh là 231.944.131 và số bệnh nhân đang được điều trị là 19.816.846 ca, trong đó có 79.162 ca nguy kịch.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 48.517.370 ca mắc, trong đó có 791.048 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 465.082 ca tử vong trong số 34.495.506 ca mắc, Brazil có 612.411 ca tử vong trong tổng số 22.003.317 ca mắc.

Trong bối cảnh số ca mắc và tử vong do COVID-19 gia tăng trên toàn thế giới, ngay cả ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, các quốc gia đang thúc đẩy việc tiêm mũi vaccine tăng cường, siết chặt các biện pháp hạn chế, tiến hành tiêm chủng cho trẻ em.

Dịch bệnh tại Đức "đang trở nên tồi tệ"

Tại châu Âu, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Đức đang trở nên tồi tệ khi số ca nhiễm trong tuần này nghiêm trọng hơn tuần trước và không thể loại trừ khả năng áp đặt “tình trạng khẩn cấp quốc gia.”

Các số liệu thống kê của Viện Robert Koch (RKI) cho biết hiện đã có hơn 1/4 số quận trên toàn quốc có tỷ lệ mắc trong 7 ngày qua vượt 500 ca/100.000 người và nhiều bệnh viện đang ở mức báo động. Theo RKI, thời gian đang rất gấp rút, nếu không nhanh chóng sẽ khó lật ngược tình thế.

Riêng tại bang Bayern, chính quyền bang đã thông báo hủy tất cả các hội chợ Giáng sinh trong năm thứ hai liên tiếp. Những quận có tỷ lệ mắc COVID-19 trong 7 ngày vượt 1.000 ca/100.000 dân sẽ bị phong tỏa. Tại những khu vực này, các quán bar, câu lạc bộ, nhà hàng và các cơ sở văn hóa, giải trí và thể thao khác sẽ bị đóng cửa.

Tuy nhiên, tất cả các trường học, nhà trẻ và các cửa hàng sẽ vẫn mở cửa. Hiện tại, có 8 quận ở bang Bayern có số ca mắc COVID-19 vượt mức cho phép. Hàng loạt quy định, trong đó bao gồm cả những hạn chế nghiêm ngặt được đưa ra nhằm hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, đảm bảo hệ thống y tế vẫn có thể hoạt động. Các quán bar và hộp đêm sẽ phải đóng cửa, trong khi các nhà hàng sẽ bị giới nghiêm từ 10 giờ tối.

Các địa điểm thể thao và văn hóa cũng sẽ bị hạn chế trong giới hạn 25% sức chứa, các nhà bán lẻ sẽ phải hạn chế luồng khách hàng, đồng thời vẫn phải áp đặt quy tắc 2G plus (đã tiêm, đã khỏi và đã xét nghiệm). Những người chưa tiêm chủng cũng sẽ bị hạn chế tiếp xúc, theo đó sẽ chỉ được phép gặp tối đa 5 người từ 2 hộ gia đình, không tính trẻ em dưới 12 tuổi và những người đã chủng ngừa.

[70% người trưởng thành ở Brussels tiêm đủ liều vaccine COVID-19]

Tại Cộng hòa Séc, chính phủ nước này đã áp dụng các biện pháp hạn chế mới là chỉ cho phép người đã tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh sau 6 tháng được tới các nhà hàng, tham dự sự kiện và sử dụng một số dịch vụ khác. Quy định này sẽ buộc những người chưa tiêm phòng phải nhanh chóng đi tiêm vaccine, qua đó giúp giảm nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan mạnh.

Tương tự, Slovakia, nước láng giềng của Cộng hòa Séc, cũng đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới đối với những người chưa tiêm phòng vaccine, đồng thời kêu gọi người dân đăng ký tiêm chủng ngay để chặn đứng làn sóng lây nhiễm mới trong vài ngày qua.

Lệnh hạn chế cũng tương tự như ở Séc, với việc chỉ cho những người đã tiêm vaccine hoặc khỏi bệnh sau 6 tháng được tới các nhà hàng, cửa hàng bán đồ không thiết yếu hoặc các sự kiện công cộng. Các hạn chế mới có hiệu lực từ ngày 22/11.

Italy sẽ tiến hành tiêm liều vaccine tăng cường cho những người từ 40-59 tuổi từ ngày 22/11, sớm hơn so với kế hoạch là vào ngày 1/12 do số ca mắc COVID-19 ở nước này đang gia tăng.

Riêng tại Sicily, chính quyền khu vực đã ra sắc lệnh buộc tất cả những người trên 12 tuổi phải đeo khẩu trang tại các khu vực đông người ở ngoài trời trong thời gian từ nay đến ngày 31/12. Tại các vùng khác của Italy, quy định bắt buộc đeo khẩu trang hiện chỉ áp dụng tại không gian trong nhà.

EMA bắt đầu xem xét sử dụng thuốc điều trị của Pfizer cho EU

Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) đã bắt đầu xem xét việc sử dụng thuốc điều trị COVID-19 của hãng dược Pfizer để các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sử dụng khẩn cấp nhằm đối phó với sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19.

Quyết định nói trên sẽ cho phép EMA đưa ra khuyến nghị cho các quốc gia đang mong muốn sử dụng phương pháp điều trị kháng virus đầy hứa hẹn của hãng dược Mỹ trước khi được phê duyệt chính thức trên toàn EU. Việc phê duyệt chính thức dự kiến sẽ bắt đầu vào tuần tới, nhưng EMA mong muốn rút ngắn thời gian để các quốc gia có thể đưa ra quyết định càng sớm càng tốt.

Sáng 20/11, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 256,9 triệu ca ảnh 2Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân ở Lampedusa (Italy). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại khu vực Trung Đông, Israel bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi từ ngày 23/11. Việc tiêm phòng cho trẻ em được triển khai sau khi Israel nhận được lô hàng gồm hàng trăm nghìn liều vaccine của Pfizer/BioNTech vào ngày 21/11, chậm hơn một tuần so với kế hoạch ban đầu. Trước đó, Israel cũng đã triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Không chỉ có Israel, Canada cũng đã phê duyệt tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Mỹ cũng đã “bật đèn xanh” sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech cho trẻ em. Dự kiến, liều dùng của vaccine này cho trẻ em 5-11 tuổi chỉ là 10 microgam, bằng 1/3 liều của các lứa tuổi khác, và sẽ được tiêm 2 mũi cách nhau 3 tuần.

Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Campuchia và Colombia cũng bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi bằng vaccine của Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục