Sau khi Mỹ rút quân, tương lai của Afghanistan sẽ thuộc về Taliban?

Hiện nay, chưa đợi đến khi Mỹ hoàn toàn rút quân, Taliban đã phát động chiến dịch tấn công toàn diện và cảnh tượng tháo chạy tan tác đã diễn ra ở khắp nơi.
Sau khi Mỹ rút quân, tương lai của Afghanistan sẽ thuộc về Taliban? ảnh 1Binh sỹ Mỹ tại tỉnh Kunar, Afghanistan. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo Chinatimes, gần đây Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ dần rút quân khỏi Afghanistan, đồng thời hoàn thành việc rút quân toàn bộ trước thời điểm tròn 20 năm diễn ra sự kiện 11/9.

Theo báo cáo phân tích tình báo mới nhất, chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn có khả năng bị lật đổ trong vòng 6-12 tháng sau khi Mỹ rút quân, và thậm chí còn nhận định bi quan hơn là chỉ cần 3 tháng sau khi Mỹ rút quân, chính phủ Afghanistan sẽ sụp đổ.

Hiện nay, chưa đợi đến khi Mỹ hoàn toàn rút quân, Taliban đã phát động chiến dịch tấn công toàn diện và cảnh tượng tháo chạy tan tác đã diễn ra ở khắp nơi.

Afghanistan khét tiếng với tên gọi “nghĩa trang đế quốc” do địa hình hiểm trở và mâu thuẫn dân tộc cực kỳ phức tạp, rất khó xử lý. Việc chiếm lĩnh được thủ đô cũng không thể kiểm soát cả nước.

Thêm vào đó, Afghanistan là quốc gia nghèo khó và không có tài nguyên, nên những thế lực xâm nhập không thể tự cung tự cấp, chỉ có thể dựa vào sự chi viện từ bên ngoài, dẫn đến chi phí rất tốn kém khi kéo dài cuộc chiến.

Chính vì vậy, mặc dù tung hoành khắp thế giới, nhưng đế quốc Anh đã ba lần thất bại tại quốc gia Trung Á nhỏ bé này. Tương tự, Liên Xô cũng thất bại. Sau khi rút quân, chính quyền bù nhìn của Liên Xô cũng nhanh chóng sụp đổ.

[Tổng thống Mỹ khẳng định hoàn tất rút quân khỏi Afghanistan ngày 31/8]

Mỹ đưa quân vào Afghanistan vì kẻ phát động vụ tấn công khủng bố 11/9 là Al-Qaeda đang ẩn náu ở Afghanistan. Mỹ đã sử dụng sức mạnh hủy diệt để tiêu diệt chính quyền Taliban từng hợp tác khi chống lại sự xâm nhập của Liên Xô.

Mặc dù chính quyền Taliban nhanh chóng sụp đổ dưới sự phối hợp tấn công của Mỹ và các nước đồng minh, bao gồm Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng Taliban lại chia thành nhiều nhóm, chuyển sang chiến tranh du kích lâu dài lấy nông thôn bao vây thành thị, khiến cho cuộc chiến kéo dài tốn kém.

Đến năm 2009, Chính quyền ông Obama từng tăng cường 100.000 quân tại đây, hy vọng nhanh chóng giành thắng lợi trong cuộc chiến ở Afghanistan, sau đó rút quân trong vinh quang, nhưng tính toán này không trở thành hiện thực. 

Ở Đài Loan, phần lớn những người bị ảnh hưởng của truyền thông phương Tây lâu nay cơ bản cho rằng Taliban là phần tử khủng bố Hồi giáo giống như Nhà nước Hồi giáo (IS), nhưng trên thực tế việc Taliban có thể trỗi dậy là câu chuyện có bối cảnh thời đại. 

Năm 1980, khi quân đội Liên Xô hùng mạnh chiếm đóng Afghanistan, thủ đô Kabul vẫn có một chính quyền bù nhìn thân Liên Xô. Vào thời điểm đó, Afghanistan bị chia năm xẻ bảy, khắp nơi đều là cảnh tượng chiến đấu hỗn loạn giữa các thủ lĩnh.

Trong bối cảnh tương lai đất nước không có lối thoát, một nhóm sinh viên Afghanistan lưu lạc trong các trại tị nạn Iran đã thành lập tổ chức sinh viên cứu quốc, do đó Taliban chính là đội quân sinh viên Ba Tư mang khát vọng và ý chí khôi phục đất nước, đồng thời lấy mô hình Iran sau Cách mạng Hồi giáo làm kế hoạch quản trị đất nước trong tương lai.

Đội quân sinh viên này có tư tưởng riêng và kỷ luật nghiêm khắc, ngay khi xuất hiện đã gây chấn động và nhanh chóng áp đảo các lực lượng khác. Ngoại trừ các khu vực dân tộc thiểu số của Liên minh phương Bắc, Taliban đã nhanh chóng thống nhất đất nước. 

Tại sao Taliban lại trở thành kẻ thù của Mỹ? Nguyên nhân có thể là: Thứ nhất, Taliban là một tổ chức Hồi giáo chính thống. Thứ hai, Taliban được Mỹ coi là cánh tay nối dài của Cách mạng Hồi giáo Iran. Thứ ba, Al-Qaeda và Bin Laden từng là đồng minh của Taliban trong cuộc chiến chống Liên Xô, hoạt động trong một thời gian dài ở Afghanistan. Thứ tư, Mỹ cần hậu thuẫn cho chính quyền thân Mỹ ở khu vực này để gây rối sức ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc ở Trung Á. Những nhân tố này khiến Mỹ luôn tìm cách loại trừ Taliban. 

Trên thực tế, liên quân các nước đều muốn sớm rút lui, ở khu vực vừa không có tính chính danh, vừa hao tốn tiền của và thương vong, đặc biệt vô nghĩa trong các cuộc bầu cử dân chủ.

Các phương tiện truyền thông nước ngoài từng đưa tin quân đội NATO đối phó cầm chừng với Taliban ở các địa phương xa xôi, thậm chí đóng cửa doanh trại và làm ngơ trước hoạt động của Taliban. Làm sao có thể trông chờ một liên quân phân tán, không muốn thương vong, không mong chiến thắng có thể đánh bại một Taliban có kỷ luật nghiêm minh, tư tưởng và ý chí?

Thậm chí, ngay cả NATO đều muốn kéo Trung Quốc “chết chìm,” hy vọng Trung Quốc có thể cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến hỗ trợ thu dọn chiến trường, song đã bị Trung Quốc từ chối. 

Nhà triết học Friedrich Hegel từng nói: “Bài học duy nhất loài người học được từ lịch sử chính là không có bài học nào được rút ra từ lịch sử.” Sự can dự của các thế lực cường quyền ngoài khu vực có lẽ chỉ giành được thắng lợi trong nhất thời, nhưng các thế lực đó sớm muộn cũng sẽ rời đi, và kết quả của sự kéo dài quá mức chính là sự thu hẹp chiến lược sau đó.

Do từ bỏ Afghanistan đã trở thành cục diện xác định, Mỹ không còn khả năng “chiến thắng trong vinh quang” hoặc “rút quân có thể diện.” Cục diện đã định hình: tương lai của Afghanistan sẽ thuộc về Taliban./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục