Số ca nhiễm tại Philippines, Indonesia, Malaysia vẫn tiếp tục tăng

Số ca mắc trong hệ thống tàu điện ngầm tại Manila đã tăng 47%, khiến số ca mắc tại thủ đô tăng lên hơn 900 ca/ngày vào tuần trước.
Số ca nhiễm tại Philippines, Indonesia, Malaysia vẫn tiếp tục tăng ảnh 1Người dân đợi tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Mandaluyong, ngoại ô Manila, Philippines, ngày 15/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 27/7, Bộ Y tế Philippines thông báo ghi nhận 7.186 ca mắc mới COVID-19 - cao nhất kể từ ngày 13/6, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 1.562.420 ca, trong đó có 27.318 ca tử vong.

Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque cho biết số ca mắc trong hệ thống tàu điện ngầm tại Manila đã tăng 47%, khiến số ca mắc tại thủ đô tăng lên hơn 900 ca/ngày vào tuần trước.

Theo Bộ Y tế Philippines, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tháng 1/2020, Philippines đã xét nghiệm cho hơn 15 triệu trong tổng số 110 triệu dân nước này.

Philippines đang chạy đua với thời gian để ngăn chặn sự lây lan nhanh của các biến thể xuất hiện tại nước này, trong đó Delta là biến thể có tốc độ lây nhiễm nhanh nhất.

Tại Indonesia, giới chức y tế cho biết nước này cần 2.500 tấn oxy mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến của bệnh nhân COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 27/7 tại Văn phòng Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết ở thời điểm trước lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo vào tháng 5 vừa qua, Indonesia cần 400 tấn oxy/ngày cho các bệnh nhân mắc COVID-19, hiện nhu cầu này đã tăng vọt lên 2.500 tấn/ngày.

Ông Budi cho biết Chính phủ Indonesia đang lên kế hoạch tiếp tục mua 20.000 máy tạo oxy để phân phối cho các bệnh viện và cơ sở cách ly.

Trước đó, Indonesia đã tiếp nhận 17.000 máy tạo oxy từ các nước như Ấn Độ, Thụy Sĩ, Singapore.

Tuy nhiên trong bối cảnh số ca mắc mới tăng liên tục, lượng oxy hiện có không đủ đảm bảo cung cấp kịp thời cho các bệnh nhân, nhất là ở những tỉnh thành ngoài đảo Java-Bali.

[COVID-19: Indonesia huy động 63.000 binh sỹ tham gia công tác truy vết]

Bên cạnh việc kêu gọi hỗ trợ từ bên ngoài, Indonesia cũng sẽ huy động tối đa năng lực trong nước như các nhà máy sản xuất oxy trong nước để sản xuất oxy y tế.

Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng Budi cho biết nhu cầu về thuốc điều trị COVID-19 cũng tăng gấp 12 lần kể từ 1/6 vừa qua.

Để đối phó với nhu cầu tăng đột biến này, Bộ Y tế nước này đã yêu cầu Hiệp hội các công ty dược phẩm Indonesia (GP Farmasi) tập trung tăng cường hơn nữa năng lực sản xuất và phân phối thuốc trên khắp các tỉnh thành.

Dự tính, nếu tập trung năng lực sản xuất, thì trong 4-6 tuần tới, nước này có thể đảm bảo đủ số lượng thuốc  cần thiết.

Indonesia cũng đang trong tình trạng thiếu vaccine ngừa COVID-19.  Trước đó, Bộ trưởng Budi thừa nhận Indonesia chỉ còn khoảng 22 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 dự trữ và dự kiến sẽ sử dụng hết trong 1 tháng.

Tại cuộc họp báo cùng ngày, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto thông báo 21,2 triệu liều vaccine của hãng dược Sinovac ở dạng nguyên liệu thô sẽ đến Indonesia.

Cho đến nay, Indonesia đã nhận được khoảng 173 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 147,7 triệu liều của Sinovac bao gồm cả nguyên liệu và thành phẩm; 14,9 triệu liều của AstraZeneca, 6 triệu liều của Sinopharm và 4,5 triệu liều của Moderna. Tính đến ngày 26/7, đã có 64,13 triệu liều vaccine đã được sử dụng, tiêm cho 45.012.649 người.

Theo ông Airlangga, hiện Chính phủ Indonesia đang tiếp tục đẩy mạnh giai đoạn tiêm chủng cho 141.211.181 triệu người trên 18 tuổi và 26.705.490 trẻ em từ 12-17 tuổi. Hiện 718.000 trẻ em đã được tiêm vaccine liều đầu tiên.

Ngày 27/7, Malaysia thông báo nước này ghi nhận 16.117 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, mức cao thứ 2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, số ca mắc mới theo ngày cao nhất tại Malaysia được ghi nhận hôm 25/7 vừa qua với 17.045 ca.

Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký của Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah, dịch bệnh COVID-19 ở nước này được dự báo sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 9 tới với 24.000 ca mắc mới/ngày.

Ông Noor Hisham cho biết theo dự báo của Bộ Y tế Malaysia, vào thời điểm đó, tỷ lệ lây nhiễm cơ bản (RT/RO) sẽ là 1,2 (trung bình 1 người lây cho 1,2 người).

Ông Noor Hisham cho biết thêm số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày ở Malaysia được dự báo sẽ tiếp tục tăng, lên mức 17.000 ca/ngày vào giữa tháng 8 tới và đỉnh điểm là 24.000 ca/ngày vào tháng 9, sau đó có thể giảm xuống dưới 1.000 ca vào tháng 10.

Nguyên nhân được ông Noor Hisham giải thích là nhờ hiệu quả của vaccine có thể đạt 75% nếu tốc độ tiêm chủng đạt 100.000 liều/ngày cho liều thứ 2 và có thể đạt hiệu quả 80% vào tháng 10 nếu tốc độ đạt 150.000 liều/ngày cho liều thứ 2.

Hiện 80% dân số Malaysia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục