Số doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng hơn 26% so với năm 2016

Theo kết quả tổng điều tra kinh tế 2021, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là 216.170 đơn vị (tăng 26,2 % so với năm 2016); 458 đơn vị hợp tác xã (tăng 16,5 % so với năm 2016).
Số doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng hơn 26% so với năm 2016 ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN)

Chiều 15/6, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế năm 2021 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo kết quả tổng điều tra kinh tế 2021, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là 216.170 đơn vị (tăng 26,2 % so với năm 2016); 458 đơn vị hợp tác xã (tăng 16,5 % so với năm 2016).

Tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể là 387.406 cơ sở (giảm 14,5 % so với năm 2016); số đơn vị sự nghiệp, hiệp hội là 3.147 đơn vị (giảm 32,7%); cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng là 2.381 cơ sở (tăng 3,7%).

Phân theo loại hình kinh tế, trong tổng số 216.170 doanh nghiệp, có 270 doanh nghiệp nhà nước (giảm 22,9% so với 2016); 208.609 doanh nghiệp ngoài nhà nước (tăng 25,1%); 7.291 doanh nghiệp FDI (tăng 75,2%).

Phân theo khu vực ngành kinh tế, lĩnh vực nông-lâm nghiệp-thủy sản có 665 doanh nghiệp (tăng 40,6%); công nghiệp và xây dựng là 55.521 doanh nghiệp (tăng 36,5%); 159.984 doanh nghiệp dịch vụ (tăng 23%).

Theo phân tích của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, bình quân giai đoạn 2016 - 2020, loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước tiếp tục tăng ở mức 5,8%/năm; loại hình doanh nghiệp FDI tăng 15%/năm, trong khi số doanh nghiệp thuộc loại hình doanh nghiệp nhà nước giảm 6,7%/năm.

Việc doanh nghiệp thuộc loại hình nhà nước giảm trong giai đoạn này đã phản ánh đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc sắp xếp, chuyển đổi và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao vai trò, hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Nếu xét theo số lượng doanh nghiệp chia theo quận, huyện thì thành phố Thủ Đức là đơn vị dẫn đầu với 30.729 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 14,2%; tiếp đến là quận 1 với 18.184 doanh nghiệp; quận Tân Bình có 16.745 doanh nghiệp; quận Bình Tân có 15.333 doanh nghiệp; quận Bình Thạnh có 15.817 doanh nghiệp và quận Gò Vấp có 15.029 doanh nghiệp.

Những năm gần đây, các doanh nghiệp có sự dịch chuyển đáng kể hướng đến các quận, huyện vùng ven và những nơi có diện tích đất rộng, đảm bảo cho phát triển lâu dài trong sản xuất kinh doanh.

Số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh trong năm 2020 so với cùng thời điểm năm 2016 của một số đơn vị thuộc quận vùng ven, huyện ngoại thành đều tăng khá cao.

Nổi bật như huyện Cần Giờ tăng 74,1%; huyện Nhà Bè tăng 72,9%; huyện Bình Chánh tăng 52%; huyện Củ Chi tăng 49,1% và huyện Hóc Môn tăng 45,3%.

[Xuất nhập hàng hóa của Thành phố Hồ Chí Minh 5 tháng đầu năm tăng 7,9%]

Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, sự phát triển về số doanh nghiệp và xu hướng dịch chuyển về mật độ doanh nghiệp từ nội thành sang các khu vực quận, huyện vùng ven những năm gần đây đang dần tăng lên, phản ánh sự phù hợp từ những chính sách của thành phố trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.

Đặc biệt là các giải pháp phát triển doanh nghiệp tại các quận, huyện vùng ven và dần “lấp đầy các doanh nghiệp” trong các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch.

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, cuộc tổng điều tra kinh tế có ý nghĩa quan trọng, giúp thành phố nhìn lại những con số, từ đó đánh giá và đưa ra những định hướng trong thời gian tới.

Sau khi kết thúc tổng điều tra, việc khai thác, sử dụng số liệu thống kê là rất quan trọng. Do đó, Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cần huy động chuyên gia, nhà khoa học để thảo luận và đưa ra mô hình phát triển thành phố trong tương lai.

Tại Hội nghị, nhiều tập thể, cá nhân đã được tặng Bằng khen của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vì có thành tích xuất sắc trong Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục