Tên lửa đẩy Falcon 9 tại bệ phóng Trạm không quân Cape Canaveral. (Ảnh: SpaceX)
Khoảng 6 giờ sáng 12/2 (giờ Việt Nam), vệ tinh quan trắc khí hậu không gian sâu (DSCOVR) đã được phóng thành công trên một tên lửa đẩy Falcon 9 tại bệ phóng Trạm không quân Cape Canaveral ở Florida, Mỹ, sau hai lần hoãn phóng liên tiếp.
Sự kiện đánh dấu sứ mệnh thám hiểm không gian sâu đầu tiên của Tập đoàn công nghệ thám hiểm không gian SpaceX.
Vệ tinh DSCOVR, trị giá 340 triệu USD, là một chương trình hợp tác giữa Không quân Mỹ, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Viện Khí tượng và Hải dương Quốc gia Mỹ (NOAA).
Theo các chuyên gia, nhiệm vụ ưu tiên của vệ tinh này trong sứ mệnh kéo dài năm năm tới là theo dõi tình hình khí hậu trong vũ trụ đặc biệt là các cơn gió mặt trời và bão từ nhằm giúp tăng hiểu biết về Trái Đất và cho phép con người cũng như các nhà khoa học hiểu hơn về thực tế của cuộc khủng hoảng khí hậu và có thể đưa ra những giải pháp.
Bên cạnh đó, vệ tinh này cũng sẽ thu thập số liệu khoa học về mức độ aerosol, tầng ozone và mức độ cân bằng bức xạ trên Trái Đất.
Hiện, DSCOVR sẽ thực hiện hành trình kéo dài 110 ngày để tới điểm Lagrangian, nằm trong khoảng không gian giữa Trái Đất và Mặt Trời; 40 ngày sau đó sẽ là quãng thời gian kiểm tra thiết bị. DSCOVR sẽ thay thế vệ tinh cũ, có tên ACE, đã quá thời gian hoạt động nhiều năm nay.
Dự án vệ tinh quan trắc không gian sâu này vốn có tên Triana, được khởi động từ cuối những năm 90 thế kỷ trước, tuy nhiên, đã bị hủy dưới thời Tổng thống George W. Bush; NASA đã cất giữ cẩn thận vệ tinh này.
Khoảng 7 năm trước, cơ quan này khởi động lại dự án, đổi tên vệ tinh thành DSCOVR và thay đổi lại các thiết bị để vệ tinh có thể đo được số liệu thời gian thực của gió mặt trời cũng như nhanh chóng gửi số liệu về Trái Đất.
Bên cạnh phóng vệ tinh, lần phóng này còn đánh dấu một bước tiến của SpaceX trong dự án thu hồi tên lửa nhằm tái sử dụng.
Theo kế hoạch ban đầu, sau khi Falcon đưa vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất sẽ quay trở lại và được điều khiển hạ cánh trên một chiếc tàu không người lái ngoài Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, tại thời điểm phóng, vùng biển ngoài khơi bang Florida có những con sóng quá lớn, cao tới 3 tầng nhà, buộc các nhà khoa học phải cho tên lửa "hạ cánh mềm" xuống mặt biển nhằm giảm bớt thiệt hại có thể xảy ra.
Mặc dù không hạ cánh trên tàu, tên lửa Falcon vẫn được điều khiển mô phỏng hạ cánh trên tàu với phương thẳng đứng. Kết quả, Falcon đã hạ cánh thành công trên mặt biển cách phạm vi xác định chỉ 10m, đánh dấu thành công bước đầu trong việc thử nghiệm tên lửa tái sử dụng.
Hồi tháng trước, SpaceX cũng cho tên lửa thử hạ cánh xuống tàu song tên lửa đã mất kiểm soát và đâm xuống sàn tàu nổ tung.
SpaceX thành lập năm 2002, thuộc sở hữu của tỷ phú Internet Elon Musk. Chuyến bay thử nghiệm chở hàng thành công vào tháng 5/2012 của SpaceX đã đánh dấu sự kiện lần đầu tiên phi thuyền vũ trụ của một tập đoàn tư nhân tiếp cận ISS./.
(TTXVN/Vietnam+)