Syria: Người dân Aleppo khốn đốn trong vòng kìm kẹp của IS

Sau khi IS cắt đứt con đường ở phía Nam thành phố Aleppo, giá cả mọi thứ tăng vọt so với trước, khiến người dân nơi dây càng thêm khốn đốn.
Syria: Người dân Aleppo khốn đốn trong vòng kìm kẹp của IS ảnh 1Các cậu bé ở Aleppo. (Nguồn: AFP)

Tuần trước, lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã cắt đứt một con đường ở phía Nam thành phố, vốn là lối thoát của cư dân đang sống tại phía Tây Aleppo - khu vực nằm dưới sự kiểm soát của quân chính phủ Syria.

Ngay lập tức, giá cả mọi thứ tại khu vực này, từ cà chua tới xăng dầu, đã tăng vọt.

"Chỉ trong vòng năm ngày, mọi chuyện đã ​đến mức khiến người ta phát điên" - Salaheddin, 45 tuổi, một nhân viên môi giới bất động sản ở khu vực Saif al-Dawla của Aleppo, cho AFP biết.

"Một cân cà chua ngày hôm nay có giá từ 900-1.000 bảng Syria (khoảng 3 USD), tức là cao hơn bảy lần so với trước đây" - anh nói - "Chẳng còn lại mấy rau quả trong thành phố. Cũng không có chiếc xe nào đi lại, bởi các trạm bán xăng đều đã đóng cửa."

Từng là cửa ngõ kinh tế của Syria, Aleppo nay đã bị chiến tranh tàn phá. Tình trạng chia đôi khu vực kiểm soát, giữa quân chính phủ ở phía Tây và quân nổi dậy ở phía Đông, diễn ra không lâu sau khi các cuộc chiến lan tới đây vào giữa năm 2012.

Xa lộ chính nối Aleppo với Damascus đã bị quân nổi dậy cắt đứt. Nhưng năm ngoái, quân chính phủ đã mở một cung đường khác chạy xuyên qua các thành phố Safireh và Khanasser, tới hai vùng Hama và Homs do quân chính phủ kiểm soát.

Syria: Người dân Aleppo khốn đốn trong vòng kìm kẹp của IS ảnh 2Một lớp học ở Aleppo. (Nguồn: AFP)

Tuần trước, một cuộc tấn công của IS lại cắt đứ​t cung đường nằm ở phía Nam Khanasser. Trong ngày thứ Ba, IS đã tiến vào các khu vực ngoại ô Safireh.

Cuộc tấn công đã khiến một số người ở Aleppo bị mắc kẹt, như Ahmed Rami, 30 tuổi. Anh từ thành phố này tới Ai Cập 3 năm trước và mới trở lại thăm gia đình, bạn bè, khi con đường bị cắt đứt. Anh cho biết đang kiên nhẫn chờ tin con đường được mở trở lại.

Rami nói rằng hàng hóa thiết yếu đã hết nhẵn trong thành phố. Đây là điều đáng buồn bởi trước chiến tranh, Aleppo từng nổi tiếng về ẩm thực và các chợ gia vị ở khu thành cổ.

Một số người dân trong thành phố cáo buộc các chủ cửa hàng, tiểu thương tìm cách thu lợi từ cuộc khủng hoảng, thông qua việc tích trữ hàng và thổi giá.

"Ai cũng biết rằng vẫn có các nguồn thực phẩm dự trữ. Nhưng do có nhiều thương gia tìm cách thu lợi từ cuộc khủng hoảng, tìm cách độc quyền hàng hóa, nên giá cả đã tăng cao" - Anas Shaaban, 28 tuổi, cho biết.

Ngay cả những người sống ngoài Aleppo cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng, như Ihab al-Sayed, một cư dân Damascus đang chuẩn bị cưới vị hôn thê sống ở Aleppo. Lễ cưới đã được lên kế hoạch diễn ra trong ngày 28/10 nhưng hoạt động của IS khiến nó bị hoãn lại vô thời hạn.

Dima Hariri, một cô gái 23 tuổi sống ở Aleppo, cũng hy vọng có thể rời đi trong tuần này và tìm tới Đức để tị nạn. Cô đã định tới Beirut, Liban, và từ đây bay sang Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng kế hoạch đã đổ bể hoàn toàn.

Bayan Azzam, một sinh viên nghệ thuật 22 tuổi ở Đại học Latakia, đã tìm tới Aleppo để thăm họ hàng trong tuần trước và nay cũng bị mắc kẹt. Tuy nhiên, cô cho biết mình không thấy buồn vì sẽ có thêm nhiều thời gian ở cùng gia đình và bạn bè.

Một số cho rằng con đường sẽ không bị ngưng hoạt động trong thời gian quá dài. "Tôi không nghĩ người Nga sẽ để con đường bị cắt đứt trong thời gian quá dài" - Abdel Rahman Abboud, 42 tuổi, nói với ý liên hệ tới chiến dịch không kích các mục tiêu khủng bố ở Syria mà Nga đang thực hiện.

"Người Aleppo có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh sống. Họ đã trải qua đủ loại chết chóc" - anh nói - "Giờ họ chỉ buồn chán vì mất Internet, chứ không phải vì con đường bị cắt đứt"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục