Tận dụng các lợi thế từ Hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu có thể đạt khoảng 165 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 171 tỷ USD đưa mức nhập siêu vào khoảng 6 tỷ USD.
Tận dụng các lợi thế từ Hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu ảnh 1Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu để giảm nhập siêu (Ảnh: TTXVN)

Năm 2014 đã khép lại với nhiều thành tích nổi bật của ngành công thương. Theo đó, xuất khẩu lần đầu tiên đạt mốc 150 tỷ USD, trong khi nhập khẩu đạt 148 tỷ USD, giúp thặng dư thương mại đạt 2 tỷ USD. Như vậy, đây là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam xuất siêu.

Tuy nhiên, nhiệm vụ trong năm 2015 đối với ngành công thương cũng rất nặng nề, dự kiến cả nước có thể nhập siêu từ 6-7 tỷ USD.

Xung quanh các vấn đề của ngành công thương trong năm 2015, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã có trao đổi với phóng viên nhân dịp đầu năm mới.

- Xin Bộ trưởng cho biết, sự chuẩn bị của ngành công thương cho việc thực hiện các mục tiêu của năm 2015?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Điểm lại năm 2014, sức mua, tiêu dùng giảm sút nhưng do thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là chủ trương "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã góp phần khuyến khích tiêu dùng nội địa, thị trường trong nước tăng trưởng 10,6% so với năm 2013.

Năm 2014 cũng là năm thành công trong hoạt động đối ngoại, ngành công thương đóng góp trong việc đẩy mạnh hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế. Chúng ta thực hiện tốt các cam kết về thương mại, đầu tư kinh tế với các đối tác đã có hiệp định kinh tế, hiệp định thương mại tự do như trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khuôn khổ 8 hiệp định đã ký.

Bên cạnh đó, tích cực triển khai các hoạt động mới, các hoạt động kinh tế với các đối tác quan trọng như: Nga, Hàn Quốc... Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) và kết thúc 2014 cơ bản xong đàm phán 3 hiệp định quan trọng, điều này mở ra triển vọng cho năm 2015 với cơ hội rất lớn về thị trường xuất khẩu cũng như thu hút đầu tư cho Việt Nam.

Với tinh thần như vậy, bước vào 2015 ngành công thương đã góp phần cùng cả nước phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu được Quốc hội thông qua.

Cụ thể, năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu có thể đạt khoảng 165 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 171 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2014.

- Trong năm 2015, ngành công thương tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2014, để đạt được những chỉ tiêu trên, ngành công thương sẽ có những giải pháp như thế nào thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Theo tôi, việc tiếp tục tìm kiếm, thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa để doanh nghiệp thuận lợi trong sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ hàng đầu mà Chính phủ giao cho ngành công thương nhằm tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hơn nữa.

Có thể thấy, nền kinh tế của chúng ta hiện nay có sự tham gia lớn của lĩnh vực ngoại thương nên mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% là một trong những nhiệm vụ quan trọng ngành công thương phải thực hiện. Do vậy, bên cạnh những thị trường truyền thống thì việc mở rộng sang các thị trường mới cũng là một trong những giải pháp được Bộ hướng tới.

Tận dụng các lợi thế từ Hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu ảnh 2Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Để làm việc này, phương thức xúc tiến thương mại sẽ được đổi mới đồng thời tăng cường phối hợp giữa Bộ Công Thương với các Bộ, ngành có sản phẩm xuất khẩu nhằm trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ thường xuyên cập nhật thông tin giúp doanh nghiệp đối phó và ứng xử với các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp mà các nước đang sử dụng.

Một lĩnh vực quan trọng mà Bộ Công Thương đang quản lý đó là công nghiệp, thời gian tới Bộ sẽ có những giải pháp nhằm đẩy mạnh đầu tư các dự án trọng điểm của ngành, các dự án quốc gia tập trung vào những công trình điện, năng lượng, hóa chất, kể cả công nghiệp chế biến tiêu dùng để năm 2015 tăng thêm các năng lực sản xuất mới góp phần tăng sản xuất, tăng trưởng kinh tế 2015.

Đến thời điểm hiện nay, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Công Thương đã đẩy nhanh việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước trong đó tập trung vào vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn khỏi các lĩnh vực kinh doanh chính với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ nhắc các Bộ, ngành năm 2015 là năm phải có chuyển biến trong cải cách thủ tục hành chính, để triển khai quyết định trên, Bộ Công Thương sẽ làm quyết liệt hơn nữa để có môi trường kinh doanh, đầu tư tốt hơn, thu hẹp khoảng chênh lệch với các nước.

- Hiện giá dầu thô đang giảm mạnh, Bộ Công Thương đã tính toán như thế nào để khai thác nguồn tài nguyên này cho phù hợp?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Việc giá dầu giảm chắc chắn ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước. Trước đây dầu khí đóng góp trên 20% thu ngân sách nhưng hiện nay giảm xuống còn 10-11%.

Tuy nhiên, việc điều hành chính sách vĩ mô của Chính phủ đã khẳng định, Việt Nam ngày càng đi theo hướng ít phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô. Trong tính toán, giữa ngành dầu khí và các bộ bàn về việc làm sao giá dầu năm 2015 không thuận lợi cho người sản xuất, tức là ở mức thấp thì có biện pháp phù hợp duy trì phát triển ngành dầu khí đồng thời giảm bất lợi do giá dầu thô thấp.

Tận dụng các lợi thế từ Hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu ảnh 3Nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ Quản lý thị trường để kiểm soát tốt thị trường nội địa (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Về công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, trong năm 2015 Bộ sẽ có những giải pháp thế nào nhằm đảm bảo tốt thị trường trong nước?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Năm 2014, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã đạt nhiều thành tích trên mặt trận chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều hạn chế yếu kém, vấn đề này không chỉ tồn tại mới đây mà từ nhiều năm, việc cải thiện còn chậm.

Nguyên nhân khách quan là do các hoạt động quản lý thị trường ngày càng phức tạp, do dung lượng thị trường ngày càng lớn, lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường nhiều và tác động của quá trình hội nhập sâu với thế giới, mặt trái của kinh tế thị trường cũng bộc lộ dần, trong khi khả năng của lực lượng của quản lý thị trường chậm được nâng lên trong tình hình mới về chất lượng và số lượng con người cũng như điều kiện làm việc.

Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là do trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa đáp ứng tình hình mới, một bộ phận cán bộ công chức của quản lý thị trường chưa cao thậm chí còn tiêu cực, chính vì vậy đã làm cho hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thị trường còn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đạt được mục tiêu Chính phủ mong muốn. Đây cũng là nội dung được đặt ra trong các hội nghị của Bộ Công Thương và Ban chỉ đạo Chống buôn lâu.

Bộ tập trung vào việc rà soát khuôn khổ pháp lý trong hoạt động chống buôn lậu và gian lận thương mại nói chung và quản lý thị trường nói riêng, nếu chúng ta không có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, phù hợp và cập nhật tình hình mới thì việc triển khai tác nghiệp, xử phạt cũng như khắc phục hậu quả sẽ hạn chế.

Ngoài ra, phải phối hợp tốt hơn giữa lực lượng quản lý thị trường với biên phòng, thuế, hải quan, công an... làm thế nào để có sự tổng hòa cũng như tận dụng được sức mạnh tổng hợp để nâng cao hơn nữa công tác chống buôn lậu.

Lực lượng quản lý thị trường cũng phải tự nâng cao nghiệp vụ trong bối cảnh hoạt động này ngày càng tinh vi, phức tạp. Hơn nữa, phẩm chất đạo đức và trách nhiệm cũng phải nâng cao tương ứng mới có thể hoàn thành nhiệm vụ, tránh các hành vi xa ngã. Nếu có sự vào cuộc đồng bộ thì tôi tin hiệu quả của công tác chống buôn lậu sẽ tăng lên.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục