Tân tổng thống Ai Cập đối mặt chương trình nghị sự bè phái

Các nhà phân tích tình hình Ai Cập đều có chung nhận định rằng một chương trình nghị sự chính trị bè phái đang chờ đợi ông El- Sisi, Tổng thống đắc cử của Ai Cập.
Tân tổng thống Ai Cập đối mặt chương trình nghị sự bè phái ảnh 1Tổng thống đắc cử Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. (Nguồn: Reuters)

Abdel- Fattah El- Sisi, người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Ai Cập, được tổ chức trong ba ngày 26 , 27 và 28 /5, dự kiến sẽ tuyên thệ nhậm chức trước Tòa án Hiến pháp tối cao để trở thành tổng thống thứ 9 của Ai Cập cuối tuần tới.

Động thái này diễn ra sau khi các báo cáo bán chính thức cho thấy cựu tư lệnh quân đội đã giành được một chiến thắng vang dội trước đối thủ duy nhất của ông là chính trị gia Hamdeen Sabahi.

Kết quả kiểm phiếu ban đầu cho thấy ông El- Sisi đã giành được khoảng 95% số phiếu trong tổng số 23 triệu phiếu bầu. Trong khi đó, ông Sabahi chỉ giành được hơn 3% số phiếu trong tổng số phiếu hợp lệ.

Theo phát ngôn viên của Ủy ban bầu cử Tổng thống (PEC) Abdel-Aziz Salman, được giám sát cuộc bầu cử, "kết quả chính thức cuối cùng sẽ được Chủ tịch PEC Anwar El- Assi công bố vào ngày 3 hoặc 4/6, sớm hơn ngày dự kiến là 5/6, mốc đánh dấu thất bại quân sự của Ai Cập trong năm 1967."

Theo các nguồn tin, El- Sisi sẽ tuyên thệ nhậm chức trước Tòa án Hiến pháp tối cao vào sáng thứ bảy ngày 7/6, hoặc một vài ngày sau đó. Tòa án này do thẩm phán cấp cao Adly Mansour đứng đầu, người được chỉ định làm tổng thống lâm thời của Ai Cập sau khi Tổng thống Mohamed Morsi Hồi giáo bị lật đổ vào ngày 3/7 năm ngoái. Chức chủ tịch tòa án của ông Mansour tạm thời bị đình chỉ trong khi ông giữ vai trò của người đứng đầu nhà nước.

Một số nguồn tin bán chính thức cho biết: "Lễ tuyên thệ của El- Sisi tại Tòa án Hiến pháp tối cao sẽ được nối tiếp bởi một lễ ra mắt vào buổi tối, được tổ chức tại dinh tổng thống Ittihadiya ở phía Đông Cairo, dự kiến sẽ có sự tham dự của một số nhà lãnh đạo quốc tế, chủ yếu là từ thế giới Arab, cũng như các chính trị gia cấp cao Ai Cập, các quan chức cấp cao và Thủ tướng Ibrahim Mahlab, mà theo hiến pháp, nội các của ông có nghĩa vụ phải từ chức sau khi kết quả của bầu cử tổng thống được chính thức công bố."

Tuy nhiên, các nhà phân tích đều đồng ý rằng một chương trình nghị sự chính trị bè phái đang chờ đợi ông El- Sisi. Hai luật mới nhằm điều tiết cuộc bầu cử quốc hội sắp tới sẽ là vấn đề nan giải đầu đầu tiên của Tổng thống mới đắc cử. Hai luật, mà dự thảo đã được công bố vào ngày 24/5, nhằm nâng cao tổng số ghế trong nghị viện mới từ 508 lên 630 và quy định rằng 80% số ghế được tranh chấp thông qua hệ thống ứng cử cá nhân, và 20% thông qua danh sách của các đảng phái.

Mahmoud Fawzi, phát ngôn viên của một ủy ban kỹ thuật phụ trách việc soạn thảo hai luật, cho biết dự thảo đã được chuyển đến Hội đồng Nhà nước vào ngày 31/5 để xem xét về mặt pháp lý và hiến pháp. Ông Fawzi nói rằng các phe phái chính trị có ý kiến rất khác nhau về hai dự án luật mới.

Hầu hết các lực lượng chính trị ra đời sau cuộc nổi dậy ngày 25/1 lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak, cho biết họ dứt khoát chống lại hai dự thảo, nhấn mạnh rằng số lượng ghế tranh chấp bởi danh sách các đảng cần phải tăng từ 20% lên 50% với lý do điều này sẽ giúp tạo ra một quốc hội cân bằng, với hầu hết các lực lượng đều có đại diện.

Nhà phân tích chính trị Emad Gad của Trung tâm nghiên cứu Al- Ahram nói: "Chúng tôi chờ xem El- Sisi sẽ làm thế nào để đạt được một sự đồng thuận về hai luật này, mà không phải đối mặt với những lời cáo buộc ban đầu rằng ông đang làm việc cho một phe phái nào đó bất chấp các phe phái khác"./. Hoàng Chiến, Cairo

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục