Tăng lực cho hàng Việt chiếm lĩnh thị trường nội địa và xuất khẩu

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xây dựng, phát triển mạnh các thương hiệu Việt trên thị trường.
Tăng lực cho hàng Việt chiếm lĩnh thị trường nội địa và xuất khẩu ảnh 1Các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ được tôn vinh. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Gần 100 doanh nghiệp có sản phẩm và dịch vụ tiêu biểu đã được vinh danh trong Lễ trao giải do Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ngày 17/3, tại Hà Nội.

Theo Ban tổ chức, đây là những doanh nghiệp có thành tích nổi bật hưởng ứng "Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động.

[Nhiều mặt hàng Việt đã thực sự chinh phục người tiêu dùng]

Tự hào hàng Việt

Nằm trong top 76 doanh nghiệp tiêu biểu, ông Lương Văn Tuyến, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Ắc quy Tia Sáng cho biết, cuộc vận động đã tạo ra cú hích cho doanh nghiệp, khi tăng trưởng trên thị trường nội địa mỗi năm của công ty khoảng 5-10% có những năm lên tới 15%.

Có được kết quả này là nhờ Công ty liên tục đầu tư công nghệ và thiết bị tiên tiến để đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng tốt phục vụ Người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, việc đầu tư trang thiết bị cũng góp phần giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động, qua đó giảm giá thành sản phẩm.

Tuy vậy, ông Tuyến cho rằng, việc hội nhập và tham gia các FTA tuy là cơ hội về thị trường nhưng doanh nghiệp cũng đứng trước nhiều thách thức do cạnh trạnh khốc liệt hơn. Để vượt qua, không có cách nào khác, bản thân doanh nghiệp phải vận động để có sản phẩm chất lượng với giá thành tốt thì mới có thể đứng vững trên thị trường.

"Thông qua Cuộc vận động, doanh nghiệp mong muốn người tiêu dùng ủng hộ doanh nghiệp và hướng nhiều hơn đến việc tiêu thụ các sản phẩm trong nước. Để đáp ứng khía cạnh đó thì doanh nghiệp cũng phải đảm bảo các kỳ vọng của người tiêu dùng," ông Tuyến chia sẻ.

Cũng được vinh danh trong lễ trao giải lần này, ông Lưu Ngọc Linh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Minh Dương bày tỏ, thương hiệu Việt Nam khi tham gia chương trình đã chiếm được niềm tin nhất định của người tiêu dùng trong nước cũng như của hệ thống phân phối cũng như ghi nhận được của cả đối tác nước ngoài khi sản phẩm được Nhà nước chứng nhận.

Tăng trưởng trên thị trường nội địa của doanh nghiệp trong những năm gần đây từ 7-10%, ông Linh kỳ vọng sau cuộc vận động này, người tiêu dùng trong nước sẽ chú ý hơn nữa đến các sản phẩm mang thương hiệu Việt có chất lượng tốt.

Thống kê của Bộ Công Thương, đến cuối năm 2017, thị phần trong nước của Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoảng sản Việt Nam đạt trên 80% đối với thiết bị phục vụ cơ giới mở hầm lò. Thị phần của Tổng Công ty Sữa Việt Nam với sản phẩm sữa đặc có đường khoảng 75% và 90% thị phần sản phẩm sữa chua, gần 50% sản phẩm sữa tươi.

Trong khi đó, thị phần của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam đối với máy kéo, máy gặt, máy cấy khoảng 25% và thị phần của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đối với các sản phẩm xăng dầu khoảng trên 50%...

Tăng lực cho hàng Việt chiếm lĩnh thị trường nội địa và xuất khẩu ảnh 2Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại Lễ trao giải. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thành công nằm ở chính doanh nghiệp

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, sau hơn 8 năm thực hiện, Cuộc vận động đã có sức lan tỏa rộng khắp. Theo đó, kết quả khảo sát, điều tra của Viện nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) thực hiện, có 92% người tiêu dùng được hỏi rất quan tâm đến Cuộc vận động, trong đó 63% khách hàng ưu tiên dùng hàng Việt Nam...

Đáng lưu ý, hàng Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định tại hơn 9.000 điểm bình ổn thị trường và nhiều siêu thị, tỷ lệ hàng Việt chiếm từ 60-90%.

"Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại nhiều cơ hội và thách thức, hơn bao giờ hết doanh nghiệp cần phát huy tinh thần sáng tạo, không ngừng đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng," Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu rõ.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Đề án “Phát triển thị trường trong nước” và Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với Cuộc vận động, đồng thời tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất và bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.

Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp được nhận giải thưởng cùng toàn thể cộng đồng doanh nghiệp, bằng những hành động cụ thể, thiết thực, tham gia hưởng ứng tích cực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ​​qua đó thể hiện bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo của người Việt, tăng cường ứng dụng công nghệ mới, phương pháp quản lý hiện đại để nâng cao chất lượng, uy tín của hàng Việt, chiếm lĩnh thị trường trong nước và ngày càng thâm nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế, khu vực.

"Các doanh nghiệp và cơ quan liên quan cần thực hiện nghiêm quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xây dựng, phát triển mạnh các thương hiệu Việt trên thị trường trong nước, quốc tế cũng như có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống phân phối, đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng, đặc biệt là các vùng nông thôn, khu đông dân cư, công nhân," Phó Thủ tướng lưu ý thêm.

Để hưởng ứng "Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam," từ giai đoạn năm 2013- 2017, Bộ Công Thương đã phê duyệt 1.025 đề án với tổng kinh phí 511,5 tỷ đồng.

Đến nay, các địa phương đã tổ chức được hơn 2.365 đợt bán hàng về nông thôn với 57.741 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 4.330.000 lượt người tới tham quan mua sắm, doanh thu mang lại hơn 54.547 tỷ đồng.

​Nói về ý nghĩa của Cuộc vận động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, việc trao Giải thưởng ngày hôm nay không chỉ dừng ở việc tìm và tôn vinh những sản phẩm ở Việt Nam mà quan trọng hơn là khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và tận dụng những thành tựu của khoa học công nghệ cũng như phối hợp với các doanh nghiệp khác để tạo dựng được chỗ đứng vững ngay tại thị trường nội địa và nâng cao được năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

"Khi các doanh nghiệp nâng cao được chất lượng của hàng hóa, dịch vụ của mình cũng là một cách tốt nhất đẩy mạnh được phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, giúp cho việc định hướng sử dụng hàng Việt ngày càng tốt hơn ở ngay trong đông đảo người dân Việt Nam," lãnh đạo Bộ Công Thương nói./.

Lễ trao giải thưởng lần thứ 1 được tổ chức năm 2014 với 100 doanh nghiệp được tôn vinh và trong lần thứ 2, được tổ chức năm 2018, có 96 doanh nghiệp được tôn vinh.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục