Thách thức mới đối với phong trào cánh tả khu vực Mỹ Latinh

Ở Mỹ Latinh, khi tầng lớp trung lưu gia tăng đáng kể, việc giáo dục tư tưởng không theo kịp những thay đổi trong xã hội sẽ dẫn đến việc chính tầng này quay lưng lại với những chính phủ tiến bộ.
Thách thức mới đối với phong trào cánh tả khu vực Mỹ Latinh ảnh 1Ông Mauricio Macri giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai ở Argentina. (Nguồn: AP)

Cuộc bầu cử tổng thống vòng hai ở Argentina đã khép lại sau hơn 3 tháng tranh cử quyết liệt giữa các ứng cử viên với thắng lợi thuộc về ông Mauricio Macri thuộc liên minh trung hữu "Thay đổi" đối lập, sau khi giành được 51,4% phiếu ủng hộ, chỉ nhiều hơn 2,9% so với đối thủ Daniel Scioli, ứng cử viên liên minh cánh tả "Mặt trận vì Thắng lợi cầm quyền" (FpV).

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Argentina, các cử tri phải đi bỏ phiếu vòng 2 để bầu ra tổng thống nắm quyền điều hành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ Latinh trong vòng 4 năm tới. Chưa bao giờ tỷ lệ người đi bỏ phiếu cao như lần này, lên tới 88%. Điều này chứng tỏ người dân Argentina rất quan tâm tới cuộc bầu cử năm nay.

Ngay khi kiểm được gần một nửa số phiếu, ông Scioli đã thừa nhận thất bại và chúc mừng ông Macri. Khác với vòng một, kết quả ở vòng hai này không bất ngờ, bởi các cuộc điều tra trước thềm bầu cử cho thấy ông Macri sẽ giành thắng lợi trước ông Scioli.

Ông Macri, 56 tuổi, Thị trưởng Buenos Aires, kỹ sư xây dựng, xuất thân từ một gia đình giàu có nổi tiếng ở Argentina, là người luôn đối đầu với những chính sách kinh tế của Tổng thống sắp mãn nhiệm Cristina Fernandez. Ông từng giữ chức Chủ tịch câu lạc bộ bóng đá Boca Juniors nổi tiếng từ năm 1995 tới năm 2008, giai đoạn được cho là thành công nhất của câu lạc bộ này. Ông từng là nghị sỹ Quốc hội từ năm 2005-2007 trước khi làm Thị trưởng Buenos Aires.

Cương lĩnh tranh cử của ông Macri là "thay đổi" những chính sách kinh tế đã được thực hiện suốt 12 năm qua ở Argentina. Những chính sách của Tổng thống Cristina Fernandez và chồng bà, cố Tổng thống Nestor Kitchner, hướng tới việc thiết lập một sự công bằng nhất định trong xã hội, đề cao vai trò điều tiết của nhà nước, tăng cường liên kết Mỹ Latinh và giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.

Trong khi đó, ông Macri ủng hộ chủ nghĩa tự do mới, mở cửa thị trường trong nước, theo đuổi chính sách tư nhân hóa, không đề cao vai trò nhà nước trong nền kinh tế và thân Mỹ. Tuy nhiên, phát biểu khi kết quả kiểm phiếu được công bố, ông Macri khẳng định sẽ không có sự trả thù hay đối đầu và kêu gọi người dân Argentina đoàn kết xây dựng đất nước.

Thách thức mới đối với phong trào cánh tả khu vực Mỹ Latinh ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Brecorder.com)

Trong hơn 15 năm qua, phong trào cánh tả tiến bộ Mỹ Latinh đã trỗi dậy mạnh mẽ và gặt hái được nhiều thành quả kinh tế-xã hội không thể phủ nhận. Tuy nhiên, do tác động từ sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, giá các nguyên liệu - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của khu vực - lao dốc, thâm hụt ngân sách do phải chi trả nhiều cho các chương trình phúc lợi xã hội đã đẩy nhiều quốc gia theo đường lối cánh tả và tiến bộ vào giai đoạn vô cùng khó khăn như Argentina, Brazil và Venezuela.

Rõ ràng, tình trạng kinh tế khó khăn đã dẫn tới khủng hoảng chính trị. Mặc dù, đa phần các nước Mỹ Latinh đã chống đỡ tốt với cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, nhưng các quốc gia này lại thiếu cơ chế chính trị để củng cố những cải cách mới tiến hành, cho phép điều tiết việc phân chia của cải trong xã hội một cách hợp lý và tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để tạo ra tâm lý tích cực trong xã hội. Các nước Mỹ Latinh này đã không tận dụng thời cơ để thay đổi cơ cấu kinh tế vĩ mô mà chỉ chú trọng tới công tác xóa đói giảm nghèo, giảm thiểu bất bình đẳng xã hội và tăng cường hòa hợp xã hội.

Một vấn đề mà nhiều chuyên gia nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay khi tầng lớp trung lưu gia tăng đáng kể, việc giáo dục tư tưởng không theo kịp những thay đổi trong xã hội sẽ dẫn đến việc chính tầng lớp trung lưu quay lưng lại với những chính phủ tiến bộ đã giúp cho họ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Với một xã hội tiêu dùng thì tình trạng nền kinh tế trì trệ kéo dài sẽ khiến họ vỡ mộng, căng thẳng trong xã hội sẽ bùng phát và đây chính là những gì đã diễn ra trong cuộc bầu cử vừa kết thúc tại Argentina.

Theo số liệu của Ngân hàng phát triển liên Mỹ (BID), tới cuối năm 2013, tỷ lệ người nghèo ở Argentina chiếm 4,7% và tỷ lệ người bần cùng vào khoảng 1,4%. Đây là con số thấp nhất Mỹ Latinh. Trong giai đoạn 2002-2013, 15 triệu người Argentina gia nhập tầng lớp trung lưu và 1 triệu người gia nhập tầng lớp thượng lưu.

Kết quả bỏ phiếu tại Argentina cho thấy xã hội nước này hiện đang trong tình trạng chia rẽ. Tỷ lệ phiếu ủng hộ tân Tổng thống Argentina Macri và người thua cuộc là ông Scioli chênh nhau không đáng kể chỉ với 2,9%. Điều đó chứng tỏ nhiều người vẫn muốn tiếp tục theo đuổi các chính sách tiến bộ, bỏ qua sự cám dỗ của chủ nghĩa tự do mới mà lực lượng cánh hữu bảo thủ khu vực theo đuổi. Những lực lượng chính trị truyền thống thân Mỹ đang tìm cách trở lại cầm quyền tại khu vực.

Cuộc chiến giữa hai trào lưu sẽ còn tiếp diễn, cụ thể nhất là vào ngày 6/12 tới khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội tại Venezuela. Thời gian sẽ kiểm nghiệm sự lựa chọn của các cử tri. Riêng tại Argentina, Tổng thống đắc cử Macri chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc điều hành đất nước bởi ông sẽ phải đối mặt với một lưỡng viện Quốc hội mà người của FpV chiếm đa số và một xã hội chia rẽ về tư tưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục