Thâm hụt thương mại của Pháp gây lo ngại cho kinh tế Eurozone

Theo Hải quan Pháp, tính trong nửa đầu năm nay, thâm hụt thương mại Pháp lên tới 29,2 tỷ euro, làm gia tăng lo ngại về sự trì trệ của nền kinh tế lớn thứ 2 Eurozone.
Đang có nhiều lo ngại về “sức khỏe” của kinh tế Eurozone dưới tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine. (Ảnh: forologoumenoi.gr)

Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Pháp, thâm hụt thương mại của nước này đã tăng từ 5,1 tỷ euro trong tháng Năm năm nay lên 5,4 tỷ euro (khoảng 7,2 tỷ USD) vào tháng Sáu năm nay.

Tính trong nửa đầu năm nay, thâm hụt thương mại của Pháp đã lên tới 29,2 tỷ euro. Số liệu mới này càng làm gia tăng lo ngại về sự trì trệ của nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực đồng euro (Eurozone).

Mặc dù tình trạng thâm hụt thương mại của Pháp không phải là thông tin gì mới (Pháp đã luôn thâm hụt thương mại hàng tháng trong một thập niên qua), song con số này càng “đào sâu” những quan ngại về đà tăng trưởng yếu của kinh tế Pháp và Paris sẽ khó có thể cắt giảm thâm hụt ngân sách theo mục tiêu đã đề ra trong năm nay.

Tuy nhiên, bà Fleur Pellerin, Quốc vụ khanh phụ trách thương mại của Pháp, cho biết thâm hụt thương mại của Pháp trong nửa đầu năm nay ở mức thấp nhất kể từ năm 2010. Chính phủ nước này dự kiến trong cả năm nay con số thâm hụt sẽ giảm xuống 53 tỷ euro, so với mức 60 tỷ euro trong năm 2013 và mức kỷ lục 74 tỷ euro trong năm 2011.

Lâu nay, các nhà kinh tế vẫn xem “đất nước hình lục lăng” là một mắt xích yếu tại Eurozone và những nỗ lực của chính phủ nước này nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp và thúc đẩy các ngành công nghiệp vẫn chưa có hiệu quả.

Trong bối cảnh này, thông tin mới cho thấy kinh tế Italy rơi trở lại suy thoái trong quý 2 vừa qua đã “thổi” lên những lo ngại mới về tình hình “sức khỏe” của Eurozone, đặc biệt là dưới tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Theo nhà kinh tế trưởng Ludovic Subran từ Công ty bảo hiểm Euler Hermes, nhu cầu yếu đi của Italy sẽ gây tổn thương cho kinh tế Pháp, trong khi nước này không đủ khả năng cạnh tranh để tiếp cận các thị trường chủ chốt như Anh và Đức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục