Thăng trầm ca trù Việt

Văn hóa ca trù: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Theo Nguyễn Xuân Diện, tiến sĩ ca trù đầu tiên của Việt Nam, ca trù không chỉ cần bảo vệ mà còn cần khôi phục lại không khí văn hóa.
“Đâu còn những đêm hội làng, các đào kép về hát thờ Thành hoàng theo lệ hàng năm? Đâu còn những ca quán nhộn nhịp khách văn nhân? Đâu còn những cuộc khao vọng, khai trương cửa hiệu có vời đến đào kép ca trù, để tùy việc tùy duyên mà thưởng ngoạn câu thơ khổ phách cung đàn ca trù?” Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện xót xa khi nhớ về ca trù trong quá khứ.

“… Mừng chứ không phải vui”

Ca trù của Việt Nam vừa được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Là người có gần 20 năm bền bỉ nghiên cứu ca trù, đã viết nhiều cuốn sách giá trị về ca trù và lại tham gia vào việc viết hồ sơ về ca trù trình UNESCO, cảm xúc của ông  lúc ấy thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện: Ngay sau khi có tin từ UNESCO, anh em bạn bè đã gọi điện báo tin và chúc mừng tôi. Tôi mừng - Mừng vì Ca trù của Việt Nam đã chính thức được thế giới ghi nhận và trở thành một di sản quý giá mà Việt Nam đóng góp vào kho tàng văn hóa nhân loại.

Mừng chứ chưa phải là vui. Tôi còn rất ưu tư vì chính tên gọi của danh hiệu là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Việc một di sản của Việt Nam được UNESCO biết đến, và đưa vào danh sách di sản cần được bảo vệ khẩn cấp là một điều chúng ta không thể lấy làm vui được. Tuy nhiên, danh hiệu ấy rất cần đối với ca trù bởi là một tinh hoa đặc sắc vào bậc nhất của văn hóa Việt, nhưng ca trù đã trải biết bao thăng trầm luân lạc…

Ca trù xưa, nay có khác gì nhau không, thưa tiến sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện: Ca trù nay khác với ca trù xưa nhiều lắm. Khác nhau trước hết là ở chỗ ca trù xưa thì phong phú, đầy đủ, mà nay thì mất mát đi nhiều quá.

Thư tịch cổ cho biết ca trù có đến 99 thể cách. Trong đó loại thể cách hát lên được, tức là làn điệu đã có tới 66 thể cách. Vậy mà nay, các đào nương già cũng biết chỉ khoảng mười lăm điệu. Lục tìm trong kho băng đĩa lưu trữ tại Viện Âm nhạc và đài Tiếng nói Việt Nam, thấy có tư liệu của 26 điệu ca trù. Tức là chỉ từng ấy điệu mới có thể phục hồi được mà thôi.

Các giáo phường ca trù đã không còn được tiếp nối như nền nếp xưa. Việc thờ tổ ca trù cũng đã mai một, và nếu có thì cũng được duy trì một cách tự phát.

Nhưng, cái khác lớn nhất giữa xưa và nay là không gian, không khí ca trù, hay còn gọi là văn hóa ca trù thì đã mất thật rồi. Đâu còn những đêm hội làng, các đào kép về hát thờ Thành hoàng theo lệ hàng năm? Đâu còn những ca quán nhộn nhịp khách văn nhân? Đâu còn những cuộc khao vọng, khai trương cửa hiệu có vời đến đào kép ca trù, để tùy việc tùy duyên mà thưởng ngoạn câu thơ khổ phách cung đàn ca trù?...

Cho nên, bảo vệ là để đừng mất nốt cái đang có, nhưng cần cả khôi phục những cái đã mất nữa. Mà điều này, xem ra khó!

Không xuất hiện ca nương xuất sắc

Sự nở rộ của một số câu lạc bộ (CLB), nhóm ca trù có mặt tích cực là truyền bá và cuốn hút mọi người bảo tồn vốn dân tộc. Song, có ý kiến cho rằng, một số CLB sinh hoạt mà không có nhiều người thực sự sành về ca trù? Ông có lo lắng chính sự nở rộ không bài bản sẽ làm ca trù mờ nhạt?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện: Cho đến thời điểm này, ca trù đang được chính quyền và ngành văn hóa các địa phương quan tâm, nhiều giáo phường ngày xưa tìm đến nhau tiếp tục đàn hát, các nghệ sỹ trẻ vẫn tiếp tục tìm tòi, học hỏi và mở ra nhiều CLB…

Những CLB này đến nay hoạt động khá rôm rả, đều đặn thu hút được nhiều người tham gia, đặc biệt là lớp trẻ. Tuy nhiên những nghệ sỹ lão luyện có thể truyền được nghề bài bản, giúp người học nắm được ca trù một cách bài bản không còn nhiều. Hơn thế, một số CLB được marketing nhiều và được khen quá rộng lượng nên công chúng lần đầu tiếp xúc với ca trù từ các CLB này cứ tưởng đã tiếp cận được những đỉnh cao rồi. Điều này dễ làm người ta lầm tưởng ca trù chỉ đơn giản có như thế.

So với các nghệ nhân nổi tiếng một thời, những ca nương hiện nay liệu có bằng?


Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện: Có một thực tế, việc dạy và học đàn và trống không quá khó khăn, trong khi hát thì đòi hỏi rất cao vì tiếng hát ca trù vô cùng độc đáo.

Hiện nay, những người có một giọng hát trời phú đủ để học ca trù rất hiếm hoi, bởi vậy người hát thành công giờ hầu như không có. Người ta vẫn có thể hát đúng làn điệu, nhưng hát hay như ngày xưa thì rất hiếm. Có những người có giọng hát đẹp nhưng lại không có thầy giỏi dạy cho, có những người được thầy giỏi dạy thì lại không giọng hát đẹp, có người có giọng thì phách lại có vấn đề.

Tuy nhiên, chúng ta không nên bi quan, ngày xưa ở ngoại vi Hà Nội (năm 1938) có tới 216 ca quán ca trù, với hơn 2.000 nghệ sỹ hoạt động nhưng đọng lại trong lòng người nghe thì số đó cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo tôi, việc truyền dạy ca trù để đạt được hiệu quả thì phải là truyền dạy theo lối “bắt tay chỉ ngón” theo lối của các giáo phường ngày xưa, tâm truyền  tâm, nghề truyền nghề, chứ không phải là dạy và học ào ào như ở một số CLB hiện nay. Giáo phường ca trù xưa còn có những yêu cầu nghiêm ngặt về việc giữ gìn đạo đức của đào và kép nữa.

Theo ông, muốn bảo tồn và tôn vinh ca trù thì phải làm thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện: Những năm gần đây, di sản ca trù đã được các cơ quan khoa học và các hội nghề nghiệp sưu tầm, điều tra kiểm kê, đánh giá. Nhiều viên ngọc quý được phát hiện hoặc phát hiện lại. Song, có một mối lo là nghệ nhân dân gian đã già, đã mất. Và, các nghệ sỹ ca trù không ai có thể sống được bằng nghề...

Do đó, để di sản tiếp tục sống trong đời sống đương đại, phải giải quyết từ việc truyền dạy, tôn vinh đến việc giới thiệu quảng bá di sản.

Công việc truyền dạy về di sản trước hết phải được tiến hành đúng như truyền thống, tức là dạy theo lối truyền khẩu, không cốt lấy nhanh để báo cáo, cho kịp một dịp lễ lạt nào đó (trường hợp dạy Ca trù chỉ trong 2 tháng là khó đạt được hiệu quả).

Việc tôn vinh phải được coi là một việc làm thường xuyên, đúng người. Tôn vinh bằng tiền lương và chế độ bảo hiểm. Bằng sự trân trọng thực sự: tôn trọng không gian, cách thức hành nghề, cách truyền nghề …

Ngoài ra, chúng ta cần quảng bá ca trù trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua những buổi nói chuyện, giảng giải của các chuyên gia. Phải có nhiều người nói, mỗi người nói một nét của ca trù. Công chúng từ chỗ chưa hiểu đến chỗ hiểu, từ chỗ hiểu ít đến chỗ hiểu nhiều, hiểu rồi thích, thích rồi yêu, yêu rồi đắm say, mà khi đã đắm say thì cứ muốn gìn giữ mãi nó, quảng bá rộng cho ca trù.

Hiện nay, giới trẻ cũng đang quan tâm nhiều đến ca trù. Nhiều bạn tìm đến với ca trù bằng cách đến nghe ca trù ở các CLB, hoặc đọc các bài viết về ca trù trên mạng internet, hoặc tìm đến các liên hoan ca trù… Đối với một môn nghệ thuật như ca trù thì đó là những dấu hiệu thật sự đáng mừng./.


Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện sinh năm 1970 tại Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp năm 1992, thạc sỹ năm 1998. Năm 2007, ông là người đầu tiên ở Việt Nam bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về ca trù. Bản luận án tiến sĩ của ông là một trong những tài liệu trong bộ hồ sơ gửi UNESCO.

Hiện, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện là Phó Giám đốc Thư viện (Viện nghiên cứu Hán Nôm).
Trung Hiền – Thúy Mơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục