Thế giới có nguy cơ bị khủng hoảng lương thực do dịch COVID-19

Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã tiến hành các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch nhưng đã kìm hãm nghiêm trọng hoạt động thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng lương thực.
Thế giới có nguy cơ bị khủng hoảng lương thực do dịch COVID-19 ảnh 1Gạo được bày bán với mẫu mã đa dạng trong các siêu thị tại thủ đô Bangkok. (Ảnh: Ngọc Quang/TTXVN)

Người đứng đầu ba tổ chức quốc tế Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 1/4 cảnh báo nguy cơ thiếu hụt lương thực toàn cầu nếu giới chức các nước không quản lý tốt cuộc khủng hoảng hiện tại do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã tiến hành các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, nhưng điều này cũng kìm hãm nghiêm trọng hoạt động thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng lương thực.

Trong khi đó, hoạt động mua tích trữ do tâm lý lo lắng của người dân trong các khu vực bị phong tỏa đã cho thấy sự yếu ớt của chuỗi cung ứng, khi các siêu thị không thể bổ sung thêm hàng hóa sau khi các kệ hàng bị vét sạch.

Văn bản chung được ký bởi ông Qu Dongyu, người đứng đầu FAO; ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO và ông Roberto Azevedo, Tổng Giám đốc WTO, nói rằng: "Sự không chắc chắn trong nguồn cung lương thực sẵn có có thể tạo ra làn sóng hạn chế xuất khẩu, từ đó gây ra tình trạng khan hiếm trên thị trường toàn cầu."

[LHQ: COVID-19 là “khủng hoảng nghiêm trọng nhất” từ sau Thế chiến 2]

Cảnh báo trên có thể đang hướng đến Nga, khi giới chức nước này đang xem xét hạn chế xuất khẩu bột mỳ và đã phải dùng đến kho dự trữ quốc gia để đảm báo giá cả không tăng mạnh.

Văn bản chung của ba tổ chức quốc tế trên nhấn mạnh: “Trong bối cảnh phong tỏa do dịch COVID-19, các nước phải nỗ lực để đảm bảo các dòng thương mại được luân chuyển tự do nhất có thể, đặc biệt để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt lương thực gia tăng."

Văn bản lưu ý trong khi hành động để bảo vệ sức khỏe và thu nhập của người dân, các nước cũng phải đảm bảo các biện pháp liên quan đến thương mại sẽ không gây gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực.

Trong dài hạn, các lệnh cách ly xã hội và hạn chế đi lại có nguy cơ gây ra những gián đoạn trong sản xuất nông nghiệp do thiếu lao động và không thể đưa lương thực đến các siêu thị, từ đó khiến thực phẩm dễ bị hư hỏng và tình trạng lãng phí thực phẩm gia tăng. Việc đóng cửa biên giới đã cho thấy sự phụ thuộc của nhiều nước vào lao động nước ngoài trong sản xuất nông nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục