Hàng hóa Việt Nam muốn xuất khẩu đi các thị trường khó tính bắt buộc phải đảm bảo các tiêu chí chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động cũng như an toàn môi trường.
Gần đây nhất, Liên minh châu Âu (EU) lại thêm một tiêu chí vào hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này, đó là thuế carbon hay còn gọi là thuế bảo vệ môi trường.
Vấn đề lớn với doanh nghiệp xuất khẩu
Hồi giữa tháng 12/2022, EU thông báo sẽ thực hiện cơ chế điều chỉnh biên giới các bon (CBAM). Thị trường này sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu được nhập khẩu vào đây, dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.
Ông Pascal Canfin, Chủ tịch Ủy ban Môi trường của Nghị viện châu Âu, chia sẻ lần đầu tiên châu Âu đảm bảo đối xử công bằng với các doanh nghiệp, giữa những công ty phải trả giá carbon ở châu Âu và cả những doanh nghiệp không trả giá tại các quốc gia khác.
Điều này giúp châu Âu làm được nhiều hơn cho khí hậu hiện nay nhằm bảo vệ doanh nghiệp thực hiện đúng tiêu chí bảo vệ môi trường và cả bảo vệ việc làm cho người lao động. Vì vậy, CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ gây ô nhiễm cao như thép, ximăng, phân bón, nhôm, điện và hydro.
[Liên minh châu Âu đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu]
Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của châu Âu. Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu. Nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của châu Âu, doanh nghiệp bắt buộc phải mua chứng chỉ khí thải theo mức giá carbon hiện nay tại châu Âu.
Việc đánh thuế carbon là trụ cột quan trọng trong chính sách khí hậu của châu Âu nhằm khuyến khích các đối tác thương mại khử carbon trong lĩnh vực sản xuất. Qua đó, châu Âu trở thành khu vực thương mại đầu tiên trên thế giới đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu. Trong khi thuế về bảo vệ môi trường vốn đã được áp dụng trong quá trình giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa nhiều năm qua.
Việc này tạo nên một vấn đề lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào châu Âu, đó là thêm một chứng chỉ về môi trường để có thể lưu thông tại thị trường khó tính này.
Ông Andrew Wyatt, đại diện Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam, chia sẻ ngay khi Liên minh châu Âu vừa có thông báo áp dụng điều chỉnh biên giới carbon, hồi giữa tháng 12/2022, IUCN cũng đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các chính sách liên quan đến thị trường carbon.
Lộ trình đến 2025 có thể sẽ có thị trường thí điểm trao đổi thương mại về chứng chỉ carbon cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Chứng chỉ carbon và chính sách về thị trường carbon hiện còn rất mới đối với các đơn vị liên quan hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
Tuy đây chỉ là một trong những dự án nhỏ của IUCN, nhưng cũng cần một chính sách cụ thể từ phía Chính phủ để hoạt động kiểm tra và cấp chứng chỉ carbon cho các đơn vị kinh doanh được nhanh chóng.
Đối mặt giải quyết
Chính sách này có ảnh hưởng lớn đến các nhà xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam khi muốn tiến vào thị trường châu Âu, đặc biệt là các nhãn hàng lớn và chuỗi kinh doanh quốc tế. Bởi CBAM trước tiên áp dụng cho những sản phẩm phát thải carbon lớn như sắt thép, xi măng, phân bón, điện… nên các doanh nghiệp những lĩnh vực khác còn có thời gian chuẩn bị để tới thời điểm Liên minh châu Âu thực hiện còn có thể đáp ứng được ngay.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta, chia sẻ thời gian qua phong trào làm điện áp mái khá phổ biến ở các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản. Với tiêu chí tái chế và tuần hoàn, các doanh nghiệp cũng đang thực hiện khá tốt.
Điển hình là phụ phẩm cá tôm trở thành nguyên liệu để tiếp tục sản xuất ra các sản phẩm hữu ích, không để phụ phẩm gây tác hại môi trường mà còn tạo ra giá trị nâng cao hiệu quả hoạt động. Các doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, chế phẩm nuôi, các cơ sở nuôi đều phải có tiêu chí cụ thể để thực hiện và thống nhất trong cả chuỗi.
Tuy nhiên, ngoài việc thực hiện mua chứng chỉ carbon, đáp ứng các tiêu chí thuế các bon khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường châu Âu, các doanh nghiệp cũng có thể “xanh hóa” nhằm đảm bảo an toàn cho môi trường bằng nhiều phương pháp ứng dụng sản xuất, chế tạo, chế biến khác nhau.
Điển hình như Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà máy bia Heniken Việt Nam. Trong thời điểm hiện tại, toàn bộ 6 nhà máy nấu bia của doanh nghiệp này đã sử dụng 100% năng lượng tái tạo.
Tiếp đến là Công ty trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Unilever Việt Nam đã sử dụng 48% năng lượng tái tạo cho hoạt động sản xuất; trong đó, 100% khí thải từ nhà máy là carbon tích cực.
Chia sẻ về sản xuất xanh, giảm áp lực khí thải carbon ra môi trường, bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phong Phú, cho biết ngành dệt may thuộc nhóm sản phẩm bắt buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn xanh hóa hiện nay với 75-96 tiêu chí đánh giá.
Hơn 10 năm trước, hàng loạt quy trình đã được doanh nghiệp thay đổi, từ việc quản lý chặt chẽ tiêu thụ năng lượng điện, nước, khí thải, nước thải, xây dựng kế hoạch giảm tiêu hao năng lượng, hóa chất từng tháng đến thay thế dần các thiết bị cũ, tạo môi trường làm việc cho người lao động tốt hơn.
Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn, nâng cao uy tín với đối tác mà sản phẩm còn tăng tính cạnh tranh, có nhiều đơn hàng hơn, đặc biệt những nhãn hàng cao cấp.
Nhiều doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị cho vấn đề bảo vệ môi trường trong sản xuất, bảo vệ môi trường sống của người tiêu dùng từ nhiều năm trước, chỉ thiếu một chứng chỉ chứng nhận cụ thể. Do đó, việc còn lại chính là giải quyết chứng chỉ carbon để hàng hóa “thêm chất bôi trơn” khi tiến vào thị trường châu Âu khó tính./.