Thị trường chứng khoán châu Á đa phần đi xuống trong chiều 11/10

Tâm trạng nhà đầu tư cũng u ám bởi cuộc chiến Ukraine đang diễn biến phức tạp hơn cùng triển vọng khó đoán định của kinh tế Trung Quốc.
Thị trường chứng khoán châu Á đa phần đi xuống trong chiều 11/10 ảnh 1(Ảnh minh họa. Yonhap/TTXVN)

Chứng khoán châu Á hầu hết giảm điểm trong chiều 11/10, khi các nhà đầu tư ngày càng lo ngại rằng các đợt tăng lãi suất lớn sẽ đẩy các nền kinh tế vào suy thoái sâu.

Tâm trạng nhà đầu tư cũng u ám bởi cuộc chiến Ukraine đang diễn biến phức tạp hơn cùng triển vọng khó đoán định của kinh tế Trung Quốc.

Phiên này, chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc mới phản ứng với thông báo hạn chế xuất khẩu chip của Mỹ đưa ra vào thứ Sáu tuần trước. Hai thị trường này trước đó đều đóng cửa nghỉ lễ vào ngày 10/10.

Cụ thể, chứng khoán Nhật Bản đã kết thúc phiên trong sắc đỏ trong phiên 11/10 với các cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà giảm. Chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Tokyo đã giảm 2,64% (tương đương 714,86 điểm) và kết thúc phiên ở mức 26.401,25 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm gần 2% khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu công nghệ, ôtô và một số nhóm khác do lo ngại rằng xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ và rủi ro địa chính trị gia tăng có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái. Chỉ số Kospi mất 1,83% (40,77 điểm) và khép phiên ở mức 2.192,07 điểm.

Tại thị trường Trung Quốc, chứng khoán Hong Kong giảm hơn 2% và lần đầu tiên kể từ cuối năm 2011 xuống dưới ngưỡng 17.000 điểm. Theo đó, chỉ số Hang Seng giảm 2,23% (384,30 điểm) xuống 16.832,36 điểm.

Chứng khoán Taipei phiên này dẫn đầu đà giảm ở thị trường châu Á khi mất hơn 4% - với cổ phiếu của “gã khổng lồ” ngành sản xuất chip TSMC giảm 8,3%. Các thị trường Sydney, Singapore, Mumbai, Bangkok và Jakarta cũng xuống thấp hơn.

[Giá cổ phiếu của các nhà sản xuất chip châu Á "lao dốc"]

Tuy nhiên, điểm sáng hiếm hoi tại châu Á trong phiên này là chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải với mức tăng 0,19% (5,65 điểm) lên 2.979,79 điểm. Chứng khoán Wellington và Manila cũng tăng nhẹ khi nhà đầu tư mua vào khi giá xuống.

Với trọng tâm là lạm phát, các nhà phân tích cho biết dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng Mỹ được công bố vào cuối tuần này sẽ rất quan trọng đối với định hướng của các tài sản rủi ro. Một đợt tăng lớn khác có thể châm ngòi cho đợt bán tháo mới trên thị trường chứng khoán và đưa đồng USD tăng vọt.

Các nhà đầu tư đã hy vọng rằng một loạt các đợt tăng lãi suất mạnh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ đầu năm tới nay sẽ bắt đầu tác động đến nền kinh tế, làm chậm đà tăng giá và cho phép các nhà hoạch định chính sách giảm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Nhưng một báo cáo việc làm tốt hơn dự kiến công bố vào thứ Sáu tuần trước đã cho thấy sự khó khăn mà Fed phải đối mặt trong nỗ lực đưa lạm phát rời khỏi mức cao nhất trong bốn thập niên. Nhiều nhà quan sát cảnh báo kịch bản kinh tế Mỹ suy thoái là điều gần như không thể tránh khỏi.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho biết có "nguy cơ thực sự lớn" về khả năng kinh tế toàn cầu suy giảm trong năm tới. Đồng thời, ông nói thêm rằng sự gia tăng của đồng USD đang làm suy yếu đồng nội tệ của các quốc gia đang phát triển và đẩy nợ của họ lên mức "cao nặng nề."

Còn ông chủ ngân hàng JP Morgan Jamie Dimon dự báo kinh tế Mỹ sẽ trải qua cuộc suy thoái trong 6-9 tháng và chỉ số S&P 500 có thể giảm thêm 20%.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 11/10, chỉ số VN-Index giảm 36,28 điểm (3,48%) xuống 1.006,2 điểm sau khi đã có lúc thủng ngưỡng 1.000 điểm trước đó cùng phiên. Chỉ số HNX-Index cũng mất 11,07 điểm (4,82%) xuống 218,78 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục