Thị trường chứng khoán điều chỉnh sâu là cơ hội của 'cá mập' lớn

Các doanh nghiệp niêm yết vẫn đang hoạt động khá tốt và thị trường chứng khoán là thị trường của niềm tin. Với các nhà đầu tư lớn, đây là thời điểm để mua vào, cơ hội trong nhiều thập kỷ có một lần.
Thị trường chứng khoán điều chỉnh sâu là cơ hội của 'cá mập' lớn ảnh 1Quỹ hoán đổi danh mục tiếp tục duy trì dòng tiền tích cực trong tháng đầu tiên của năm 2023 và là tháng thứ tư liên tiếp ghi nhận dòng vốn đạt trên 3.000 tỷ đồng. (Ảnh: TTXVN)

Thời gian vừa qua, mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều biến động, song hoạt động mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn diễn ra khá tích cực.

Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở các trung tâm tài chính lớn trên thế giới và hiện đang kết nối dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quỹ A+, chia sẻ chưa có một quỹ đầu tư lớn nào có cái nhìn tiêu cực về thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo ông Hoàng, các doanh nghiệp niêm yết vẫn đang hoạt động khá tốt và thị trường chứng khoán là thị trường của niềm tin. Với các nhà đầu tư lớn, đây là thời điểm để mua vào với cơ hội trong nhiều thập kỷ có một lần.

Dòng tiền từ các quỹ khởi sắc

Báo cáo từ Công ty Chứng khoán SSI cho biết các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) tiếp tục duy trì dòng tiền tích cực trong tháng đầu tiên của năm 2023 và là tháng thứ tư liên tiếp ghi nhận dòng vốn đạt trên 3.000 tỷ đồng. Cụ thể, cả hai nhóm quỹ trong nước và ngoài đều ghi nhận dòng tiền dương đáng kể, như Quỹ VanEck (+2.005 tỷ đồng), VNDiamond (+680 tỷ), VFM VN30 (+636 tỷ đồng), FTSE Vietnam (+594 tỷ đồng), VNFIN Lead (+314 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, các quỹ chủ động cũng duy trì quán tính dòng tiền vào ròng trong tháng với tổng giá trị vào ròng ghi nhận hơn 1.700 tỷ đồng. Dòng tiền vào ròng lan tỏa trên thị trường đồng đều với sự tham gia của các quỹ từ khu vực châu Âu và Mỹ. 

[Các dòng tiền đầu tư sẽ chuyển sang hướng an toàn trong năm 2023]

Trên phạm vi toàn cầu, nhóm nghiên cứu của SSI cho hay dòng tiền vào các tài sản tài chính đang cải thiện, song sức hút nghiêng về các quỹ trái phiếu và cổ phiếu thị trường mới nổi. Số liệu ghi nhận, các quỹ cổ phiếu đã tích lũy ròng 40 tỷ USD, đây là mức cao nhất kể từ tháng 3/2022 và tập trung chủ yếu vào khu vực châu Âu cùng thị trường mới nổi.

Mặt khác, dòng tiền vào các quỹ trái phiếu và tiền tệ cũng thu hút được lượng lớn dòng vốn, giá trị tích lũy ròng lần lượt là 58,3 tỷ USD và 118,7 tỷ USD.

Đánh giá về xu hướng dòng tiền trong năm 2023, các chuyên gia phân tích của SSI cho rằng việc phân bổ dòng vốn vào các tài sản tài chính vẫn phụ thuộc vào các động thái của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Ngoài ra, điểm tích cực về triển vọng dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu trong năm 2023 là chu kỳ chứng khoán thường đi trước chu kỳ kinh tế và thời điểm này vẫn đang được đánh giá là giai đoạn tốt để giải ngân. Tuy nhiên, những rủi ro về lạm phát xuyên suốt trong thời gian qua vẫn chưa thực sự được giải quyết, đây sẽ là yếu tố khiến dòng tiền khó có thể bùng nổ như giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022. 

Quan điểm thận trọng

Với có nhà đầu tư nước ngoài - “trường vốn” thì thị trường chứng khoán điều chỉnh xuống trong giai đoạn kéo dài được xem là cơ hội, thì đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo vẫn nên thận trọng.

Theo tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, có ba nguyên tắc đầu tư - thứ nhất là an toàn vốn, thứ hai là sinh lời cao và thứ ba là thanh khoản cao. Dựa trên ba yếu tố đó, ông Hiếu cho rằng tại điểm này, thị trường đầu tư nói chung chưa nhìn thấy một kênh đầu tư nào hiệu quả. 

Trên cơ sở đó, ông Hiếu đánh giá thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục dao động và trầm lắng trong nửa đầu năm 2023.

“Khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ chưa có dấu hiệu chấm dứt tăng lãi suất, giá của đồng USD tiếp tục tăng, thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng và trong đó có thị trường Việt Nam,” ông Hiếu nói.

Tuy nhiên, ông Hiếu kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ phục hồi vào nửa sau năm 2023, sau khi Mỹ chấm dứt tăng lãi suất và kiểm soát được lạm phát.

Phân tích cụ thể hơn, ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc phụ trách Danh mục đầu tư Công ty Dragon Capital chỉ ra giai đoạn 2020 - 2021 là thời kỳ “tiền rẻ” và năm 2022 là thời điểm thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất. Điều này đang tác động tới các doanh nghiệp niêm yết và thể hiện rõ ở kết quả kinh doanh quý 4/2022 đồng thời sẽ tiếp tục quý 1/2023.

Tuy nhiên, ông Điền nhìn thấy 3 nhóm ngành có cơ hội tăng trưởng trong năm 2023. Trong đó, ngành ngân hàng đã có nhiều sự khác biệt lớn so với 10 năm trước trong việc áp dụng công nghệ cao và sâu rộng trong hoạt động kinh doanh. Mặt khác, chỉ số tăng trưởng năng lực vốn đối chọi rủi ro của nhiều ngân hàng ở mức rất cao, khả năng chống chọi lớn.

Nhóm thứ hai là vật liệu xây dựng. Theo ông Điền, nhóm ngành sản xuất sắt thép và vật liệu xây dựng chịu ảnh hưởng lớn trong thời gian trước, nhưng khi Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy nhu cầu đồng thời đầu tư công đẩy mạnh thì nhóm ngành vật liệu xây dựng sẽ tăng trưởng…

Nhóm thứ ba là ngành chứng khoán. Ông Điền cho rằng các công ty chứng khoán bị ảnh hưởng nặng thời gian vừa qua do thanh khoản giảm, tuy nhiên nếu đưa hệ thống giao dịch KRX vào sử dụng thành công, diễn biến thị trường nhận thêm các hỗ trợ tích cực thì tăng trưởng có thể trở lại.

“Hơn nữa năm nay, hoạt động đầu tư chứng khoán sẽ không còn theo trào lưu và cả nhóm ngành mà là năm kén chọn cổ phiếu,” ông Điền nhấn mạnh.

Ông Quan Đức Hoàng chỉ ra một số yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, như việc Trung Quốc mở cửa trở lại, Hiệp định thương mại tự do với châu Âu (EVFTA) mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thêm vào đó, việc thúc đẩy đầu tư công cũng đang tạo cơ hội cho rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư vào Việt Nam.

“Chuỗi bán lẻ cũng đang thu hút các nhà đầu tư. Việt Nam là thị trường 100 triệu dân, rất nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, muốn đầu tư cũng cần phải tính toán kỹ, bởi báo báo cáo tài chính của Việt Nam không đơn giản để phân tích,” ông Hoàng nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục