Xu hướng "lao dốc" của giá dầu và khí đốt thế giới, cùng với hoạt động đầu tư suy giảm trong lĩnh vực năng lượng đã tạo ra những "cơn gió ngược" đối với một số nền kinh lớn, nhất là Mỹ và các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt.
Các nhà kinh tế cho rằng giá dầu và khí đốt thấp sẽ có tác động tích cực tới hoạt động kinh tế, bởi đây đơn giản chỉ được coi là nguồn nhiên liệu cung ứng phục vụ cho quá trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ.
Tuy nhiên, sản xuất và tinh chế dầu khí cũng là một ngành công nghiệp mũi nhọn tại nhiều quốc gia.
Bởi vậy, sự đình trệ của lĩnh vực này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới đà tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn.
Xét về doanh thu và đầu tư, hoạt động khai thác, sản xuất, tinh chế, vận chuyển và tiếp thị dầu mỏ là một trong những ngành lớn nhất tại Mỹ và trên toàn thế giới.
Trong năm 2013, riêng tại "Xừ sở Cờ hoa," các doanh nghiệp có liên quan tới việc khai thác và tinh chế dầu khí đã chi gần 200 tỷ USD để mua các trang thiết bị mới và nâng cấp hạ tầng.
Đây cũng là hoạt động chiếm hơn 14% tổng chi phí đầu tư mới của Mỹ trong cùng kỳ.
Trong giai đoạn từ năm 2003 tới năm 2013, đầu tư vốn trong lĩnh vực khoan dầu khí đã tăng gấp bốn lần, từ mức 40 tỷ USD mỗi năm lên tới gần 160 tỷ USD mỗi năm.
Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2014 tới nay, hoạt động đầu tư vào ngành năng lượng liên tục bị cắt giảm mạnh.
Và điều này tất yếu đã tác động mạnh tới tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới.
Các bang Texas, North Dakota và Oklahoma, cùng với các thành phố như Williston và Calgary, vốn được coi là trung tâm khai thác dầu mỏ của Mỹ, hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, hay có thể nói là khủng hoảng.
Tác động của đà sụt giảm giá dầu không hạn chế trong phạm vi nước Mỹ.
Mới đây nhất, các ngân hàng Canada cũng vừa cảnh báo rằng tình trạng dầu liên tiếp chạm "đáy" của nhiều năm qua có thể khiến lợi nhuận của họ trong năm 2016 bị ảnh hưởng nặng nề, do nợ xấu của các công ty năng lượng gia tăng, việc huy động vốn từ lĩnh vực này trở nên khó khăn hơn và số người bị mất việc làm nhiều lên khiến hoạt động cho vay tiêu dùng càng ảm đạm.
Theo công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, các dự án dầu mỏ và khí đốt bị hủy hoặc trì hoãn trên toàn thế giới kể từ năm 2014 tới nay có tổng giá trị lên tới 380 tỷ USD.
Thêm vào đó, hàng nghìn việc làm trong lĩnh vực này cũng đã bị cắt giảm khi các công ty năng lượng nỗ lực tìm cách giảm bớt chi phí hoạt động.
Ngoài ra, xu hướng “tuột dốc không phanh” của giá dầu và khí đốt thế giới còn gây tác động xấu tới chuỗi cung ứng liên quan, bởi dầu mỏ và khí đốt không chỉ là nguồn cung ứng nhiên liệu cho các nhà chế tạo, các nhà kinh doanh dịch vụ và các hộ gia đình, mà lĩnh vực khai thác dầu khí cũng chính là nguồn tiêu thụ nguyên liệu thô, các sản phẩm chế tạo và nhiều loại hình dịch vụ./.