Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa ở khu vực ĐBSCL giảm nhẹ

Tuần qua, giá lúa ở ĐBSCL có sự giảm nhẹ nhưng giá gạo lại tăng như lúa thường tại ruộng giá bình quân là 5.350 đồng/kg, giảm 21 đồng/kg; còn giá gạo 5% tấm bình quân 8.993 đồng/kg, tăng 93 đồng/kg.
Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa ở khu vực ĐBSCL giảm nhẹ ảnh 1Thu hoạch lúa. (Ảnh: TTXVN)

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sự giảm nhẹ nhưng giá gạo lại tăng.

Cụ thể, lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.500 đồng/kg, giá bình quân là 5.350 đồng/kg, giảm 21 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 6.850 đồng/kg, trung bình là 6.330 đồng/kg, giảm 10 đồng/kg.

Trong khi đó, giá các mặt hàng gạo lại có sự tăng nhẹ. Giá gạo 5% tấm có giá cao nhất 9.300 đồng/kg, giá bình quân 8.993 đồng/kg, tăng 93 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 9.050 đồng/kg, giá bình quân 8.783 đồng/kg, tăng 108 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 8.850 đồng/kg, giá bình quân 8.483 đồng/kg, tăng 108 đồng/kg. Riêng gạo xát trắng loại 1 có giá trung bình là 9.200 đồng/kg, giảm 17 đồng/kg.

Tại An Giang, nhiều loại lúa cũng có xu hướng giảm. Cụ thể: Đài thơm tám từ 5.600-5.800 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; OM 18 là 5.600-5.800 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; Nàng hoa 5.800 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg. Một số loại lúa khác vẫn giữ ổn định so với tuần trước như OM 5451 từ 5.300-5.500 đồng/kg; IR 50404 ở mức 5.200-5.400 đồng/kg.

Về giá các loại gạo ở An Giang cũng không có sự biến động: Hương lài 19.000 đồng/kg, sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo nàng nhen 20.000 đồng/kg, Nàng hoa 17.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài 18.000 đồng/kg; riêng gạo Jasmine từ 14.000-15.000 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; gạo thường 11.000-12.000 đồng/kg.

Hiện Cần Thơ bắt đầu thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân 2021-2022 đã xuống giống đợt 1. Mặc dù năng suất lúa năm nay không hề sụt giảm so với vụ lúa Đông Xuân trước nhưng do giá bán thấp cộng với chi phí vật tư phân bón tăng cao nên trong vụ này nông dân Cần Thơ thu được lợi nhuận chỉ bằng 50% so với vụ Đông Xuân trước.

Theo một số nông dân đang thu hoạch lúa tại huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ cho biết, giá bán lúa năm nay chỉ được thương lái, các doanh nghiệp đặt mua thấp hơn cùng kỳ từ 500-1.000 đồng/kg... trong khi đó giá vật tư, phân bón lại tăng hơn cùng kỳ trên 50% nên lợi nhuận của nông dân chỉ đạt từ 12-18 triệu đồng/ha.

Giá lúa được các thương lái đặt cọc mua lúa tươi như Đài Thơm 8 có giá từ 6.600-5.700 đồng/kg, giống RVT với giá từ 6.800-6.900 đồng/kg, các giống OM có giá 5.600 đồng/kg, Jasmine 85 có giá từ 5.800-5.900 đồng/kg...

[Thị trường nông sản thế giới: Giá gạo Ấn Độ thấp nhất bốn tuần qua]

Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết vụ lúa Đông Xuân 2021-2022, nông dân thành phố Cần Thơ đã xuống giống 76.039ha, đạt 100% kế hoạch. Trong vụ lúa này, tỷ lệ nông dân sử dụng cơ giới hóa trong gieo sạ đạt trên 90%, diện tích lúa được các doanh nghiệp bao tiêu trên địa bàn đạt 33.576ha, cao hơn 696ha so với vụ Đông Xuân trước.

Trong khi thị trường gạo trong nước có sự tăng nhẹ, trên thị trường gạo châu Á, giá gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ được giao dịch ở mức từ 368-374 USD/tấn, giữ ở gần mức thấp nhất trong hơn một tháng do nhu cầu ảm đạm.

Một nhà giao dịch tại Mumbai (Ấn Độ) cho hay các khách hàng mua gạo trắng đang chuyển hướng sang Myanmar và Pakistan bởi giá thấp hơn. Các nông dân Ấn Độ có thể thu hoạch kỷ lục 127,93 triệu tấn so với mức 124,37 triệu tấn trong năm trước đó.

Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp Bangladesh, sản lượng gạo tại nước này dự kiến sẽ tăng 15 triệu tấn trong năm nay do các hộ nông dân tăng diện tích trồng trọt để kiếm thêm thu nhập nhờ giá bán cao hơn và thời tiết thuận lợi. Tuy nhiên, bất chấp mùa màng thuận lợi và khối lượng dự trữ tốt, Bangladesh vẫn phải đối mặt với tình trạng giá lương thực thiết yếu trong nước cao.

Giá gạo Thái 5% tấm được giao dịch ở mức từ 410-420 USD/tấn, tăng so với mức từ 407-415 USD/tấn trong tuần trước, chủ yếu nhờ tỷ giá hối đoái, khi đồng baht tăng 1,7% so với đồng USD từ ngày 11/2 đến ngày 17/2. Tuy vậy, một thương nhân tại Bangkok cho hay giá gạo có thể sẽ sớm giảm xuống khi bắt đầu thu hoạch trái vụ.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức cao của hai tháng trong tuần này trong bối cảnh hoạt động thị trường tăng trở lại sau đợt nghỉ lễ. Trong khi đó, nhu cấu thấp khiến giá gạo Ấn Độ giao dịch gần mức thấp của một tháng.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 400 USD/tấn trong phiên 17/2, mức cao nhất kể từ giữa tháng 12/2021 và tăng so với mức 395 USD/tấn trong tuần trước. Một nhà giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay giá gạo đã tăng nhẹ khi thị trường hoạt động trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán và nhu cầu đang tăng. Ngoài ra, các thương nhân đang mua vào khối lượng vừa phải từ các hộ nông dân trước thềm vụ thu hoạch Đông-Xuân sắp tới.

Thị trường nông sản Mỹ cho thấy trong phiên giao dịch 18/2, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ) đi ngược chiều nhau; trong đó giá ngô và đậu tương tăng, còn giá lúa mỳ giảm nhẹ.

Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa ở khu vực ĐBSCL giảm nhẹ ảnh 2Nông dân thu hoạch đậu tương tại trang trại ở Scribber, bang Nebraska, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 5/2022 tăng 3,5 xu Mỹ (0,54%) lên 6,5275 USD/bushel. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 7,5 xu Mỹ (0,47%) lên 16,035 USD/bushel. Còn giá lúa mỳ giao tháng 5/2022 giảm 0,75 xu Mỹ (0,09%) xuống 8,04 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Thị trường sẽ đóng cửa vào 21/2 để nghỉ lễ ngày Tổng thống Hoa Kỳ (Presidents Day). Công ty nghiên cứu AgResource tại Chicago lưu ý rằng khối lượng giao dịch hàng hóa trên sàn CBOT khá thấp bởi rất ít người muốn bán ra do lo ngại về tình hình địa chính trị ở Ukraine.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo đã bán được 198.000 tấn đậu tương. Theo thông tin từ công ty AgResource, khoảng 66.000 tấn hàng hóa từ vụ thu hoạch trước sẽ cập bến Ai Cập, còn khoảng 132.000 tấn từ vụ thu hoạch mới được xuất đến Trung Quốc. Đậu tương Mỹ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới từ tháng 4/2022 trở đi.

Dự báo thời tiết cho thấy phần lớn các khu vực tại Argentina sẽ có mưa lớn từ giữa tuần tới trở đi. Trong khi đó, khu vực phía Nam Brazil sẽ không có mưa trong 10 ngày tới, có khả năng ảnh hướng đến vụ ngô Đông đang được gieo hạt tại đây. Vụ ngô Đông của Brazil cần có mưa để hạt có thể nảy mầm thuận lợi.

Tại vùng đồng bằng của Mỹ, nhiệt độ có thể giảm trong10 ngày tới. Thời tiết lạnh giá sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của lúa mỳ đỏ.

Về thị trường càphê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe-London sụt giảm trở lại. Giá càphê Robusta giao tháng 5/2022 giảm 19 USD, xuống 2.255 USD/tấn và còn giá càphê Robusta giao tháng 7/2022 giảm 16 USD xuống 2.235 USD/tấn. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.

Tương tự, giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York tiếp tục sụt giảm. Trong đó, giá càphê Arabica giao tháng 5/2022 giảm 4,65 xu Mỹ xuống 246 xu Mỹ/lb, còn giá giá càphê Arabica giao tháng 7/2022 giảm 4,45 xu Mỹ xuống 244,70 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm từ 300-400 đồng, xuống dao dộng trong khung từ 40.800-41.300 đồng/kg.

Giá càphê hai sàn sụt giảm sau khi các nhà đầu cơ đã hoàn tất hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 3/2022. Trong khi thị trường dự kiến nguồn cung sắp tới sẽ rất dồi dào do Brazil và Indonesia bước vào thu hoạch vụ càphê Robusta mới năm nay.

Dự báo về sản lượng càphê Brazil của vụ mùa năm 2021 và vụ mùa năm 2022 vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Tuy vậy, thị trường vẫn quan tâm năm nay là vụ được mùa theo chu kỳ "hai năm một" ở Brazil.

Thông tin tiêu cực từ căng thẳng địa chính trị ở Ukraine và chính sách tiền tệ sắp tới nhằm ngăn chặn lạm phát, khiến nhà đầu tư lo ngại thị trường có nhiều rủi ro hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục