Mân mê trên tay hai chiếc zippo mạ vàng, trạm khắc hoa văn tinh xảo hơn cả "nâng trứng hứng hoa," chàng thanh niên ăn mặc lịch sự nở một nụ cười mãn nguyện.
Với người thường, chưa hay chưa biết về zippo, chứng kiến người thanh niên bỏ ra gần chục triệu đồng, không chút mảy may cho hai cái... bật lửa thấy anh này thật điên rồ. Nhưng anh thanh niên thì thủng thẳng: "Quá rẻ cho món quà tặng làm bật lên phong cách của chủ nhân. "
Không chỉ để đánh lửa
Người thanh niên được nhắc ở trên, phóng viên bắt gặp tại cửa hàng bán zippo khá nổi tiếng trên phố Đặng Văn Ngữ, Hà Nội. Anh tên Việt, nhân viên một công ty xây dựng vốn là "khách quen" vì thường lui tới mua zippo làm quà tặng.
Khoe hai chiếc zippo sáng loáng, vuông vắn, gọn xinh như hộp diêm, nhưng anh Việt cho biết chúng có giá hơn chín triệu đồng. Thú thực, với kẻ "ngoại đạo" như tôi, đã suýt ngất khi nghe đến giá tiền ngất ngưởng đó.
Kỳ quặc hơn, khi nghe anh chia sẻ vốn không phải dân "nghiền" zippo. Anh cũng chẳng hút thuốc bao giờ. Chỉ chết một nỗi, sau lần tình cờ theo chân anh bạn đến cửa hàng, anh bị "bỏ bùa" thích ngắm zippo, cùng "thứ" mua làm quà tặng.
Như hai chiếc zippo anh Việt vừa mua, một để tặng sinh nhật một người bạn thân vốn dân nghiền bật lửa, cái còn lại cũng để "đổi" cho zippo sắp hỏng của một cậu bạn khác.
Hải "béo", chủ cửa hàng zippo, cũng là hội viên lâu năm của câu lạc bộ zippo Hà Nội khoe những chiếc zippo với đủ kiểu dáng, màu sắc, niên đại… Hải “béo” cho chúng tôi biết kiến thức sơ đẳng đầu tiên: Zippo hàng xịn đều được sản xuất tại Mỹ.
Theo anh Hải, giá trị của chiếc zippo ngoài độ bền và tính năng “giữ lửa trong mọi điều kiện gió bão” nó còn được bảo hành xuyên lục địa. Miễn là zippo có xuất xứ từ Mỹ nếu bị hỏng hóc, khi gửi về địa chỉ nhà sản xuất thì sẽ được sửa chữa hoặc thay mới hoàn lại.
Bản thân anh Hải cũng nhận lại chiếc zippo được thay mới từ nhà sản xuất khi “liều” gửi sang Mỹ để “thử” độ thật giả cam kết được in trên mọi chiếc zippo.
Trong những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, việc sở hữu một “con” zippo sáng loáng trong tay, là niềm tự hào của giới trẻ ở Việt Nam, bất kể họ có hút thuốc hay chẳng bao giờ động đến điếu thuốc.
Chiếc zippo nhỏ con, có tính năng bật lửa đốt thuốc ấy vậy mà có khả năng thể hiện cho phong cách và đẳng cấp “dân chơi” của chủ nhân sử dụng nó.
Cũng vì lẽ đó, với dân zippo, tiền không phải tất cả và có những chiếc zippo trở nên vô giá là vì thế. Cũng khó giải thích khi chủ nhân không bao giờ bán zippo của mình nhưng đôi khi ngẫu hứng, họ sẵn sàng cho không nếu gặp được người thực sự “nặng tình.”
Hải “béo” cho biết: “Zippo có sức mạnh hơn cả món đồ trang sức cho người sở hữu nó. Vì sao, trong mắt người khác khi nhìn một ai đó cầm trên tay chiếc zippo, họ đàn ông hơn và có phong cách riêng? Mỗi chiếc Zippo chứa đựng câu chuyện văn hóa ở ngôn ngữ được khắc trên mình nó. Đó có thể là niên đại ra đời, chủ đề, hình thù, hoa văn chạm khắc…”
Một chiếc zippo "hạng xoàng" ở Hà Nội có giá khoảng 500-700 nghìn đồng. Đồ độc hơn một chút với những họa tiết trang trí lạ dao động từ 2 đến 6 triệu đồng. So với một chiếc bật lửa gaz chỉ hai ngàn đồng thì zippo thực sự là một món hàng xa xỉ.
Tuy nhiên, với những người đã trót mê zippo thì bỏ ra từ vài trăm ngàn cho đến cả chục triệu đồng để mang về nhà một chiếc zippo chỉ dùng để… ngắm là điều bình thường.
Đó cũng là cảm nhận của anh Việt: "Chẳng hiểu sao chỉ ngắm và mân mê hết cái này đến cái khác tôi đã đủ sướng. Có lẽ, vì mỗi chiếc zippo lại giúp tôi khám phá những câu chuyện với nhiều ý nghĩa thú vị khác nhau. Bỏ gần chục triệu đồng mua hai chiếc zippo, nhiều người sẽ bảo tôi điên. Nhưng để mua món quà đặc biệt, khiến người dùng nó phong cách hơn cái giá đó lại là quá rẻ!"
Trong giới sưu tầm, những chiếc zippo được săn lùng thường có giá từ vài triệu đồng đến trăm triệu, thậm chí… vô giá, tùy theo nhu cầu của người sưu tầm. Có những chiếc zippo xù xì, cũ kỹ, nhiều người không am hiểu sẽ không thèm đếm xỉa nhưng với những người đam mê, thì đó lại là cả gia tài. Mua và bán zippo cũng phải gặp... duyên, thế mới có những giai thoại nhiều nhà sưu tầm đã mua được zippo cổ qua bà bán đồng nát hoặc thằng bé đánh giày…
“Ít người sưu tầm zippo tiết lộ giá mua được món hàng độc của mình. Ngay cả trong diễn đàn cũng chỉ truyền miệng nhau rằng ở Việt Nam, có một dân chơi tại Sài Gòn đã chi đến 5.000 USD cho một chiếc zippo vàng khối”, anh Hải kể.
Trong con mắt "nhà nghề" của Hải "béo", một con zippo “ngon” thì bật một cái là lên lửa ngay, ngọn lửa cháy xanh vàng đẹp, không bập bùng quá. Zippo "khỏe" thì bản lề phải chắc chắn, tiếng đóng mở nắp nghe phải giòn tan. Có như thế, dân zippo mới yên tâm đi xe máy 40 km/h mà vẫn có thể châm lửa trong gió bão.
“Chơi lửa” phải mê và có nghề
Trong cách chơi zippo có thể tạm chia làm ba “trường phái.” Đầu tiên là "trường phái" sử dụng zippo để hút thuốc.Tiếp nữa là giới sưu tập zippo. Cuối cùng là dân “tricker,” hiểu nôm na là nghệ thuật “múa lửa” zippo bằng tay.
Hải “béo” giới thiệu cho tôi gặp Hưng “trĩ”- một phù thủy “chơi lửa” có tiếng ở Hà Thành. Hưng cũng được phong là “đệ nhất múa lửa” trong cuộc thi "tricker" năm 2010.
Bên ly cafe, Hưng khoe kỹ thuật “phù phép” múa lửa trên năm ngón tay lướt nhẹ. Chỉ chớp mắt, năm ngón tay gầy guộc như những đường vẽ thư pháp ẩn hiện, vần vụ ngọn lửa đầy ma lực. Chụm bàn tay lại ngọn lửa như chơi trốn tìm, xòe năm ngón tay, ngọn lửa lại bùng lên, nhảy nhót láu cá như tên trộm có khiếu tàng hình.
Hưng cho biết, để được xem là một tricker phải trải qua quá trình luyện trick gian khổ. Khi đạt đến “cảnh giới,” nhiều tricker có thể “múa” zippo giữa các ngón tay, hay quẹt lửa từ nhiều bộ phận trên cơ thể… dùng bàn tay lướt nhẹ qua chiếc zippo điều khiến lửa cháy hoặc tắt.
Hưng "trĩ" trở thành “tín đồ” zippo từ năm thứ ba đại học. Qua lời kể của Hưng, hồi đó, zippo chưa phổ biến như bây giờ. Cả Hà Nội chỉ có một cửa hàng duy nhất, lèo tèo vài chiếc được sách tay từ Mỹ. Hưng phải nhịn ăn sáng nhiều tháng để dành dụm ba trăm nghìn đồng để mua về chiếc zippo rất đỗi bình thường.
“Tôi đã sốc khi cầm chiếc zippo đầu tiên của mình. Một cảm giác khao khát bấy lâu nhưng khi nắm gọn trong tay bỗng có cảm giác hụt hẫng. Sự thỏa mãn và hạnh phúc đó thật khó chia sẻ cho dễ hiểu,” Hưng hồi tưởng.
Để trở thành một "tricker đẳng cấp" như hiện nay, Hưng cũng phải trải qua nhiều năm khổ luyện. Hưng bảo, chơi được lửa, tricker phải mê và có nghề. Thích không chưa đủ, "chơi lửa" phải âm hiểu và sửa được zippo.
Chiêm ngưỡng Hưng lên lửa zippo bởi đường lướt sắc bén cạnh ở đầu gối nhẹ tựa như gỡ chạm cánh hoa. Nhưng ít ai biết, năm ngón tay của Hưng "lãnh đủ" chằng chịt những đường sẹo lồi lõm.
Chỉ năm ngón tay không hơn, nhưng ngọn lửa được múa điệu nghệ vừa xa vừa gần, nhảy nhót quấn quýt đầy biến hóa, khiến người xem như bị thôi miên...
Hưng thú thật, zippo làm nên “đẳng cấp” của mình trong giới tricker nhưng nó cũng trở thành “điểm yếu” nếu chẳng may... quên không mang theo người: “Không có nó trên tay tôi sẽ run và mất bình tĩnh. Mình cảm thấy chân tay thừa thãi, trống trải, ngày hôm đó không làm được việc gì nên hồn.
Với tricker, zippo gần gũi như cơm ăn hằng ngày. Nếu hình tượng hóa zippo, nó trung thành như chú chó với con người. Nếu một ngày nó không còn thì sự trống trải đó sẽ đeo đẳng mãi...”
Có lang thang ở các diễn đàn zippo thì mới biết độ “máu”, “điên cuồng” của dân "nghiền" zippo. Để có chiếc zippo yêu thích, nhiều “tín đồ” phải đeo bám hàng năm trời rước "tận bển." Có kẻ, trong lúc sa cơ, khánh kiệt phải bán sạch sành sanh những gì mình có, ngoại trừ những chiếc... zippo.
Cũng chẳng ngạc nhiên nếu biết ai đã từng mê zippo thì thật khó để dừng lại. Họ có thể bỏ ra hàng giờ đồng hồ để ngồi lau chùi, thay bấc, tra xăng hoặc đi hết con phố này đến con phố kia để truy lùng những chiếc zippo cũ mà với những người bình thường đó chỉ là chiếc bật lửa./.