Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Ngoại giao văn hóa là nhiệm vụ chung

Thứ trưởng nhấn mạnh ngoại giao văn hóa trở thành bộ phận quan trọng của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, giúp thực hiện 2 mục tiêu là phục vụ đường lối đối ngoại và phát triển văn hóa.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Ngoại giao văn hóa là nhiệm vụ chung ảnh 1Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tham luận Đánh giá tình hình triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa từ năm 2016 đến nay. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tại Hội thảo Văn hóa 2022 diễn ra tại Bắc Ninh ngày 17/12, đóng góp ý kiến tại đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc có phát biểu tham luận về “Đánh giá tình hình triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa từ năm 2016 đến nay."

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh ngoại giao văn hóa đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của Việt Nam giúp thực hiện hai mục tiêu là phục vụ đường lối đối ngoại và phát triển văn hóa.

Đại hội XIII đặt nhiệm vụ “mở rộng và nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước.”

[Hội nghị Văn hóa 2022: Phát huy toàn diện và đầy đủ nguồn lực văn hóa]

Kết quả việc thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020 đã góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế, tôn vinh trí tuệ, phẩm chất, cốt cách, lý tưởng cao đẹp của người Việt Nam và nâng tầm giá trị văn hóa Việt; tham gia thu hút đầu tư, du lịch, đóng góp vào phát triển bền vững kinh tế-xã hội của các địa phương và cả nước; đồng thời góp phần tăng cường sức mạnh mềm quốc gia.

Các festival, lễ hội văn hóa và danh hiệu/di sản UNESCO đã góp phần thu hút mạnh mẽ khách du lịch lịch và giúp nhiều địa phương chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế dựa trên một trong những trụ cột là phát triển du lịch và khai thác giá trị di sản.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho rằng thời gian tới, tất cả các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài… tiếp tục phối hợp triển khai mạnh mẽ và hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, trên một số trọng tâm chính.

Cụ thể, đó là việc thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ trên mọi mặt giữa Việt Nam và các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức khu vực và quốc tế.

Thời gian qua, ta đã chú trọng đưa nét đặc trưng, tinh tế, đặc sắc của văn hóa Việt Nam vào chương trình tổ chức các sự kiện, hội nghị quốc tế lớn ở Việt Nam như APEC 2017, ASEAN 2020... cũng như đã tổ chức được nhiều hoạt động Tuần/Ngày Việt Nam tại trên 15 nước là những nước có quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, láng giềng hữu nghị truyền thống với Việt Nam.

Nội dung và hình thức tổ chức Tuần/Ngày Việt Nam cũng thường xuyên được đổi mới, năm 2022 được Hội đồng giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại trao Giải nhì về sáng kiến, ý tưởng sử dụng truyền thông số trong tăng cường hiệu quả quảng bá văn hóa. Phấn đấu đến năm 2030, các sự kiện Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài sẽ trở thành các hoạt động Ngoại giao văn hóa có quy mô lớn.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh đến công tác thúc đẩy hội nhập sâu, rộng trong các lĩnh vực về văn hoá tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế; trong đó tiếp tục đưa quan hệ hợp tác của Việt Nam và UNESCO đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Năm 2022, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất vào Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể, và như vậy Việt Nam lần đầu tiên hiện cùng một lúc đảm nhiệm vai trò thành viên của ba cơ chế quan trọng của UNESCO.

Theo ông Hà Kim Ngọc, ngoại giao văn hóa là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối giúp tham mưu, đôn đốc, đồng hành với các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp hội nhập quốc tế, tiếp cận nhanh với tri thức mới của nhân loại, tranh thủ tối đa các nguồn lực để phục vụ phát triển bền vững đất nước, đặc biệt là trên các lĩnh vực ưu tiên như phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, thúc đẩy hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, công nghệ thông tin, bên cạnh lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

Đến nay Việt Nam đã có 57 di sản/danh hiệu UNESCO, đứng đầu các nước Đông Nam Á về số di sản được UNESCO ghi danh. 63 địa phương đều sở hữu hoặc đồng sở hữu ít nhất 1 danh hiệu UNESCO.

Nhiều địa phương đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn, trở thành thương hiệu quốc tế. Việc tăng cường công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản sẽ góp phần khơi dậy tự hào dân tộc, tạo nguồn lực và không gian mới cho phát triển bền vững ở các địa phương.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng nhấn mạnh đến công tác tiếp tục quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, trong đó chú trọng việc lan tỏa các giá trị, tư tưởng, quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ và cao đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thông qua hình ảnh, giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân được UNESCO vinh danh…

Theo Thứ trưởng, lời giải cho bài toán tìm nguồn lực cho phát triển ngoại giao văn hóa chính ở phương châm “lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp làm trung tâm,” họ vừa là chủ thể thụ hưởng vừa là đối tác.

Trong bài tham luận, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cũng đã đề xuất thời gian tới việc cần hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế phối hợp về Ngoại giao văn hoá một cách hệ thống, đồng bộ, liên thông, huy động sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân, theo hướng Chính phủ đóng vai trò chủ chốt triển khai các hoạt động Ngoại giao văn hóa cấp nhà nước, khu vực và quốc tế.

Các bộ, ban, ngành, địa phương chủ trì tổ chức các hoạt động Ngoại giao văn hoá trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ của mình. Các tập đoàn, doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc đầu tư vào công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo.

Người dân, nhất là đồng bào Việt Nam ở nước ngoài cần được khuyến khích tham gia đóng góp lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục